(Lamdongtv.vn) - Nhà nghèo, đông con, không có người lao động, nhà cách xa trường học ham chơi, lười học, học kém, không thích đi học…đây là những lý do mà các phụ huynh có con nghỉ học đưa ra
Tại xã Đạ Nhim huyện Lạc Dương, từ nhiều năm nay, tình trạng học sinh không đến lớp vào mỗi dịp đầu năm học, nghỉ lễ giáng sinh, tết nguyên đán hàng năm vẫn còn diễn ra. Tuy không đến nỗi phức tạp và nhiều như những năm trước nhưng vẫn gây khó khăn cho cấp ủy chính quyền và các đơn vị trường học ở địa phương trong công tác huy động và duy trì sỹ số học sinh ra lớp
Sau khi vượt qua quãng đường quanh co, đèo dốc, cô Lơ Mu K Sưa, giáo viên trường THCS và THPT Đạ Nhim và chúng tôi cũng đến được nhà em Kon Sa Mi Đạt, thôn Đạ Tro xã Đạ Nhim. Em là học sinh lớp 6A2, trường THCS&THPT xã Đạ Nhim- một trong những trường hợp nghỉ học không có lý do và đang được nhà trường cùng các đoàn thể nỗ lực vận động. Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, Đạt cùng 2 em nhỏ của mình đang say sưa xem phim hoạt hình trong khi các bạn cùng trang lứa đang miệt mài tìm con chữ để mở mang kiến thức. Được biết, 5/7 người con trong gia đình của Đạt, trừ em nhỏ 2 tuổi và em mới sinh chưa trong độ tuổi đi học, thì còn lại tất cả đều nghỉ học giữa chừng. Trong đó, người anh lớn năm nay 16 tuổi, người anh thứ hai 14 tuổi đều nghỉ học từ năm lớp 8, đáng lo nhất là em thứ 4 năm nay mới bước vào lớp 1 và em thứ 5 chuẩn bị vào lớp 1 nhưng đều không được gđ cho đi học. Tương lai của các em sẽ ra sao khi không biết chữ? Chắc hẳn người cha người mẹ nào cũng rất xót ruột, nhưng chị Kon Sa Krah, mẹ các em lại không mấy lo lắng và chị đưa ra mọi lý do khi thầy cô, đoàn thể đến vận động.
Nhà nghèo, đông con, không có người lao động, nhà cách xa trường học ham chơi, lười học, học kém, không thích đi học…đây là những lý do mà các phụ huynh có con nghỉ học đưa ra, vì thế hầu như năm nào, các trường học trên địa bàn huyện lạc Dương nói chung và xã Đạ Nhim nói riêng cũng đều phải tổ chức đi vận động học sinh ra lớp vào mỗi dịp đầu năm học. Toàn hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực phối với các chức sắc, người có uy tín cộng đồng để tuyên truyền thuyết phục các gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường. Nhiều giải pháp được đề ra, trong đó việc tuyên truyền và bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cũng như quan tâm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn được chú trọng, tuy nhiên công tác vận động vẫn gặp nhiều khó khăn bởi trên hết là do ý thức của một số em học sinh và phụ huynh còn hạn chế.
Năm học này, theo thống kê, trên địa bàn xã Đạ Nhim có 1.487 học sinh ở 4 cấp học sẽ ra lớp. Sau nửa tháng bước vào năm học mới, đến ngày 16/9, toàn xã đã huy động được 1.465 học sinh ra lớp, đạt tỷ lệ trên 98,5%. Trong đó bậc mầm non và tiểu học tỷ lệ học sinh ra lớp theo thống kê của trường và ngành đã đạt 100%. Khối THCS tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt trên 95,5, Khối THPT đạt trên 95,8%. Số học sinh chưa ra lớp còn khoảng 22 em, trong đó có 16 em khối THCS và 6 học sinh khối THPT. Dù rất khó để vận động tất cả số học sinh nghỉ học giữa chừng đến lớp, nhất là ở bậc THCS &THPT, song đánh giá chung cho thấy, công tác huy động học ra lớp ở xã Đạ Nhim năm học này đã đạt kết quả khá cao từ trước đến nay.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các đơn vị trường và các thầy cô trong công tác huy động học sinh ra lớp đầu năm học, tuy nhiên nếu nhìn nhận một cách khách quan như thực tế tại một gia đình mà chúng tôi đã tiếp cận như đã nêu trong đoạn đầu PS thì con số huy động học sinh ra lớp ở bậc mầm non và tiểu học tại xã Đạ Nhim liệu có đảm bảo chắc chắn đã huy động đạt 100% khi vẫn còn học sinh trong độ tuổi chưa ra lớp. Câu hỏi này đặt ra cho Chính quyền và ngành giáo dục địa phương về công tác huy động học sinh ra lớp? Chính vì vậy, ngay từ lúc này, câu chuyện “đừng để các em rời xa mái trường” không chỉ dừng lại ở phạm vi trường học mà còn là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó, trọng tâm vẫn là thay đổi nhận thức từ chính cộng đồng nơi các em sinh sống./.
CTV: Nguyễn Hiền - Anh Tuấn