Tin tức

Khi đồng bào DTTS thay đổi tư duy phát triển kinh tế

Thứ tư, 28/09/2022 - 09:19

(Lamdongtv.vn) - Những năm qua, bà con đồng bào Dân tộc thiểu số ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương mạnh dạn từ bỏ dần lối canh tác, chăn nuôi truyền thống, đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững

Nhiều mô hình trong chăn nuôi và trồng trọt được người dân trong vùng học hỏi, nhân rộng tạo bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. 
 
Trước đây, gia đình anh Liêng Hót Ha Linh ở thôn Đa Tro, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương chủ yếu trồng rau màu thương phẩm ngoài trời nên thu nhập bấp bệnh, hiệu quả kinh tế lại thấp. Cuối năm 2021, Ha Linh mạnh dạn đầu tư trên 400 triệu đồng làm 2,5 sào nhà kính để trồng hoa cúc, nên hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác đã tăng lên rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, gia đình Ha Linh thu hoạch được 2 lứa cúc, với giá dao động từ 15 đến 22 nghìn đồng/bó cúc, trừ chi phí còn lãi trên 250 triệu đồng. 
 
Anh Liêng Hót Ha Linh - Xã Đạ Nhim - huyện Lạc Dương nói: “Trước trồng ngoài trời, nhưng thời tiết thất thường buộc phải làm nhà kính…Trồng nhà kính thì đỡ công cán, sâu bệnh ít, lại trồng được quanh năm, hiệu quả kinh tế gấp 3, 4 lần so với ngoài trời…”


 
Ngoài chú trọng phát triển diện tích rau thương phẩm trong nhà lưới, nhà kính; người dân nơi đây còn đẩy mạnh chăn nuôi bò nhốt chuồng. Gia đình anh A Dắt Ha Jem My là một trong những hộ đầu tiên của xã Đạ Nhim chăn nuôi bò với phương thức nhốt chuồng. Nhờ chuồng trại đảm bảo, công tác phòng dịch tốt, nên đàn bò phát triển mạnh. Bình quân mỗi năm, gia đình A Dắt Ha Jem My bán ra thị trường từ 3 đến 4 con bò, với giá bình quân 30 triệu đồng/con, đã mang lại một nguồn thu nhập đáng kể. Từ mô hình chăn nuôi như gia đình A Dắt Ha Jem My, nên nhiều hộ dân trong vùng có điều kiện học hỏi và làm theo, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Anh A Dắt Ha Jem My – Xã Đạ Nhim – huyện Lạc Dương chia sẻ: “Trước đây mình đi học hỏi nhiều nơi để làm theo, chú trọng đầu tư con giống, chăm sóc bài bản mới có được kết quả như ngày hôm nay. Ai đến hỏi thì mình bày cho, quan trọng là phải kiên trì, mới chăn nuôi được vậy…đầu ra của bò rất thuận lợi”

Bà Cil Pam K’Quyên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Nhim – huyện Lạc Dương cho biết: “Lợi thế của chăn nuôi nhốt chuồng là đảm bảo được vệ sinh, bò nhanh lớn phát triển kinh tế gia đình, hơn nữa có nguồn phấn bón cho các loại cây trồng…Hiện tại đã có trên 60 hộ dân học hỏi làm theo mô hình như thế này”.
Xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương là địa bàn với đông đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống. Theo thống kê hiện nay, tổng đàn trâu và bò của xã Đạ Nhim hiện có trên 2.700 con, nhưng chỉ có trên 250 con bò được chăn nuôi theo phương thức nhốt chuồng, còn lại là thả rông. Đồng thời, diện tích canh tác nông nghiệp trên 2.380 ha, nhưng mới phát triển được 100 ha nhà lưới, nhà kính. Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; nhiều hộ dân tiên phong trong việc chăn nuôi bò nhốt chuồng, trồng rau màu theo hướng công nghệ cao đã cho thấy người dân đã thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị canh tác cũng như tăng thu nhập cho gia đình./.
Thế Hạnh

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT