Vạn Ninh là một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp. Song, theo đánh giá, để nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ tích cực
Trong đó, tín dụng đầu tư lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn luôn đóng vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, các tổ chức tín dụng ở Vạn Ninh luôn đề ra những giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Với lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên nên cách đây vài năm, gia đình ông Nguyễn Hồng Chương ở xã Vạn Phú đã chủ động chuyển đổi sang mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp với du lịch. Cũng chính từ đây, thu nhập của gia đình đã ổn định hơn trước, ông cũng mong muốn được đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động. Song, trở ngại lớn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư. Với mong muốn tạo điều kiện để các hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân xã đã đứng ra bảo lãnh khoản vay 200 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 55 của Chính phủ. Không chỉ riêng gia đình a Chương mà nhiều hội viên khác trong xã cũng đã tiếp cận được khoản vay ưu đãi này. Từ đó, giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Trong giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng năm 2030, Vạn Ninh tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp thông qua việc triển khai Đề án đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện năm 2022-2025. Nhằm đảm bảo hiệu quả các mục tiêu đề ra, chính quyền địa phương cùng các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Riêng tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Vạn Ninh, tính đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ đạt trên 1.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm trên 95%. Qua đó, hàng nghìn hộ dân, doanh nghiệp có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Bên cạnh đó, các chương trình cho vay ưu đãi như: Cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 năm 2022 cũng đã được triển khai trên địa bàn, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn như: thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, các doanh nghiệp, hộ dân chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Hoạt động sản xuất nông nghiệp dần thu hẹp do tác động đô thị hóa, sự bất ổn của chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đã tác động đến quyết định tái sản xuất của người dân, ảnh hưởng lớn đến công tác tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cũng đã chỉ đạo sát sao hệ thống ngân hàng trên địa bàn nỗ lực tối đa, khắc phục khó khăn, tiết giảm chi phí, lợi nhuận để làm tốt vai trò “trợ lực” của khách hàng và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ngày càng hoàn thiện các hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế chính sách về cho vay nông nghiệp, nông thôn; có thêm nhiều chương trình với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho thêm nhiều bà con tiếp cận nguồn vốn vay, làm ăn hiệu quả, xây dựng nông thôn mới.
Phòng thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng