Mấy năm gần đây có khá nhiều du khách trong nước biết đến và tham gia hoạt động leo núi, khám phá cung đường Tà Giang (hay còn gọi là loại hình du lịch trekking Tà Giang), xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn).Cung đường này thu hút du khách bởi khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, hùng vỹ, không khí trong lành, mát mẻ.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại Tà Giang mới chỉ là tự phát của một số cá nhân.
Hoạt động trekking Tà Giang bắt đầu hình thành từ năm 2017, được đánh giá là dễ đi, phù hợp cho nhiều đối tượng. Xuất phát từ cầu Hàm Leo (xã Thành Sơn), trải qua 5 tiếng đi bộ trên cung đường khoảng hơn 10km, băng qua các cánh rừng, nhiều ngọn đồi và sông, suối, du khách đến khu vực thảo nguyên Tà Giang và được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, hùng vỹ, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ giữa những cánh rừng nguyên sinh. Tại đây có những khu đất trống, bằng phẳng để du khách dựng lều, cắm trại nghỉ ngơi, thư giãn qua đêm, đồng thời, được tìm hiểu nét đẹp văn hóa và thưởng thức các món ăn truyền thống của người địa phương. Từ khoảng cuối năm 2021 trở lại đây, số lượng du khách ở khắp các tỉnh thành trong cả nước tham gia trải nghiệm hoạt động trekking Tà Giang có xu hướng ngày càng tăng vào dịp cuối tuần, bình quân mỗi tuần gần 200 khách (chủ yếu là giới trẻ).
Hoạt động trekking Tà Giang hiện nay chủ yếu là đi bộ khám phá núi rừng nên những tác động đến môi trường là không đáng kể và không xâm hại đến tài nguyên rừng. Đồng thời, tạo việc làm cho hơn 30 lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thành Sơn, với mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/người/chuyến dẫn đường. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là hoạt động tự phát của một số cá nhân, chưa có sự quản lý của cơ quan, đơn vị nào nên ẩn chứa những rủi ro, nhất là vào những thời điểm mưa lũ. Khu vực này vẫn còn thiếu một số điều kiện cần thiết để phục vụ du khách, nhất là hệ thống thông tin liên lạc. Qua chuyến khảo sát thực tế hoạt động trekking Tà Giang mới được huyện Khánh Sơn tổ chức gần đây đã xác định được vị trí các trạm nghỉ, tầm quan sát, độ an toàn và điều kiện đảm bảo cho du khách có thể thu được những tư liệu, hình ảnh đẹp về các điểm như: Đồi Yên Ngựa, thác Lavan, cao nguyên Tà Giang…
Để loại hình du lịch trekking Tà Giang trở thành sản phẩm du lịch phát triển bền vững, huyện Khánh Sơn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, sử dụng khu vực rừng trên tuyến đường di chuyển vì phần lớn lộ trình di chuyển của cung đường đi qua các khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý. Sở Du lịch phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, tổ chức hoạt động du lịch trekking vì đây là hoạt động du lịch có điều kiện và phải được cấp phép hoạt động…
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng