Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng ở các làng Chăm trong tỉnh Ninh Thuận, nhiều gia đình luôn quan tâm chăm lo, đầu tư cho việc học của con em mình.Nhờ đó công tác khuyến học khuyến tài ở vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc;
Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học trong cộng đồng Chăm ngày càng lan tỏa, góp phần phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí.
Qua 20 năm trồng lúa, cây lúa không thể giúp ông Thiện Huệ làm giàu, nhưng cây lúa đã giúp ông nuôi 5 người con ăn học đàng hoàng. Trong đó, có 2 người con làm trong ngành công an, 1 người là giáo viên, 1 người làm ở phòng Nội vụ huyện Ninh Phước và con gái út của ông mới đậu Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Vợ ông Thiện Huệ là bà Phú Thị Mỹ Loan cho biết: Do diện tích đất ruộng không nhiều, để có tiền lo các con ăn học, ngoài làm ruộng, vợ chồng cũng làm đủ nghề để có thu nhập nuôi con ăn học.
Ở các làng Chăm của huyện Ninh Phước, nhiều gia đình chỉ nông hoặc làm công nhân, buôn bán nhưng đã biết chắt chiu, tiết kiệm để lo cho các con học hành. Người dân nơi đây quan niệm, đời cha mẹ đã khổ do thiếu cái chữ, thiếu kiến thức nên việc đầu tư cho con em đi học là ưu tiên hàng đầu.
Trước đây, gia đình ông Đàng Nguyên ở thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước cũng rất khó khăn. Vợ chồng ông xác định chỉ có con đường học hành mới thay đổi được cuộc đời. Vì vậy, vợ chồng ông luôn ưu tiên việc học tập của các con. Điều làm vợ chồng ông Nguyên cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là 7 người con của ông đều là đảng viên. Trong đó, có 2 người con trai đã tốt nghiệp thạc sỹ.
Xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đã xây dựng được 13 chi hội khuyến học với trên 3.450 hội viên, có 2.752 hộ gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập", có 20 dòng họ được công nhận danh hiệu "Dòng họ học tập", 7/7 cộng đồng thôn được công nhận danh hiệu "Cộng đồng học tập". Các gia đình, dòng họ học tập, hiếu học đều khẳng định vai trò là chỗ dựa, nguồn động viên, tiếp sức cho từng gia đình, từng học sinh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục.
Người Chăm ở Ninh Thuận hiện có trên 18.100 hộ với hơn 85.200 khẩu, chiếm 12,5% so với dân số toàn tỉnh. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở vùng đồng bào Chăm đã không ngừng được đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt, nhờ đó đã thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nhằm khuyến khích phong trào học tập, các tộc họ thành lập Quỹ khuyến học, các trưởng tộc vận động các thành viên đóng góp vào quỹ. Có tộc họ Quỹ khuyến học lên đến hàng trăm triệu đồng để hàng năm làm công tác khen thưởng, động viên, giúp đỡ con cháu vươn lên trong học tập và rèn luyện. Mỗi tấm gương đỗ đạt đều có sức lan tỏa trong xóm làng, họ tộc, từ đó, đẩy mạnh phong trào khuyến học ở vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng