(Lamdongtv.vn) - Bằng tình yêu thương và trách nhiệm của một người giáo viên, gần 15 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh đã dìu dắt cho nhiều lớp thế hệ học trò khi ra trường có được một công việc ổn định từ nghề được học
Tại ngôi trường đặc biệt mang tên khiếm thính đã hun đúc ý chí và tình yêu con trẻ cho những giáo viên nhiệt huyết với nghề luôn bám trường, bám lớp để giúp những học sinh không may mắn được hòa nhập động đồng. ghi nhận sau của phóng viên thời sự về cô giáo trẻ Mai Linh tại trường khiếm thính Lâm Đồng.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh – trường khiếm thính Lâm Đồng tâm sự: ban đầu khi về trường tôi quá bỡ ngỡ bởi nơi đây cácc em chỉ sử dụng ký hiệu để làm ngôn ngữ giao tiếp, tôi cũng sốc nhưng bù lại hàng ngày tiếp xúc với các me học sinh trở nên quen, thân thương lúc nào không hay biết, có bữa các em cầm giấy, bút lên hướng dẫn ngược lại cho tôi về ký hiệu, ngôn ngữ của người khiếm thính , đi đâu xa lại nhớ các em…thế là tôi gắn bó với ngôi trường , với các em học sinh từ thời điểm cách đây 15 năm và nếu cho chọn lại nghề tôi vẫn chọn ngôi trường của trẻ khuyết tật này.
Với những tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Mai Linh, chúng tôi càng thấy trân quý hơn nghề “Gieo chữ” cho bao lớp thế hệ học trò. Với cô giáo Nguyễn Thi Mai Linh đã trải qua 36 mùa xuân và gắn bó với ngôi trường khiếm thính Lâm Đồng được 14 năm giảng dạy, ban đầu cô Linh chọn vào trường với suy nghĩ giản đơn là có được công việc ổn định và với vai trò là một cô tổng phụ trách đội , hướng dẫn các em các kỹ năng sinh hoạt nhưng cứ 1 ngày trôi qua, khi tiếp xúc với các em khiếm thính cô cảm thấy thương và yêu mến các em bị khiếm khuyết này, cô Linh quyết tâm phải làm điều gì đó cho các em dù là nhỏ nhất. Với kiến thức và tay nghề được đào tạo tại trường Đại học sư phạm kỹ thuật chuyên ngành kỹ thuật nữ công trong thời gian là sinh viên , sau thơi gian công tác ở trường đến năm 2018 cô Linh được thuyên chuyển lên đảm nhận vai trò là giáo viên dạy nghề thêu tay cho học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lớp học không ồn ào, chỉ là tiếng ú , ớ và động tác quơ tay của người khiếm thính , các đường kim mũi chỉ dần thuần thục và định hình trên khuôn mẫu của từng tác phẩm tranh thêu. Dạy cho người bình thường về kỹ thuật thêu đã khó, giờ đây cô Linh như con ong chăm chỉ, cần mẫn bày cách cầm kim, xỏ chỉ, lên khuôn hình, cách thức thêu …tất cả bằng ngôn ngữ riêng của người khiếm thính . Những bức tranh được chính tay học sinh thể hiện có hồn trên từng bức tranh đã định hình và được giới thiệu sản phẩm bán cho du khách treong không gian quán lặng – nơi mà trường thành lập để các em trải nghiệm kỹ năng sống.
Em Lê Ánh thảo My – Trường khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ: Em học với cô Linh được 3 năm rồi, em rất quý cô vì từ không biết gì về thêu nay cô hướng dẫn em có thể tự làm được 1 bức tranh, em thích lắm, em chúc cô luôn khỏe và yêu nghề nhất là yêu những đứa học trò khiếm khuyết như em
Trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, họat động công đoàn cho đến hoạt động phong trào , Cô Mai Linh đều tham gia và hoàn thành xuất sắc . Trong 3 năm gần đây liên tiếp đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giấy khen vì có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển trường khiếm thính giai đoạn 5 năm, danh hiệu nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2022 và hàng loạt giấy khen của thành đoàn Đà lạt về hoạt động đoàn, đội cấp cơ sở. Đồng nghiệp đánh giá cao về cô Linh và chính cô cũng là gương điển hình cho nhiều giáo viên trẻ khác đang công tác tại ngôi trường đặc biệt này học tập.
Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Chính vì thế cô Mai Linh luôn trăn trở, nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức vừa “hồng” vừa “chuyên” và đặc biệt là truyền lửa nhiệt huyết cho học sinh khiếm thính được học một nghề ổn định để sau này tự lo cho bản thân.
Tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20/11 bằng cách mỗi học sinh của trường khiếm thính Lâm Đồng tự tay làm những tấm thiệp nhỏ xinh với nét chữ còn non nớt dành tặng cho những người “ đưa đò “thầm lặng. Tuy không nói ra được bằng lời nhưng trong từng ánh mắt và tâm khảm của mỗi học sinh đều luôn kính trọng và biết ơn người thầy, người cô đã dành trọn sự yêu thương đùm bọc , lo lắng cho các em – những đứa trẻ thiếu may mắn được học tập để hòa nhập cộng đồng. Trong ngôi nhà chung ấy còn có sự yêu thương, che chở của cô giáo trẻ Mai Linh ./.
Bích Thảo