(Lamdongtv.vn) - Những năm về trước, tình trạng khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn huyện Cát Tiên có nhiều diễn biến phức tạp. Đã có không ít hệ lụy về những tác hại của môi trường, tài nguyên, cũng như nguồn thu ngân sách của tỉnh Lâm Đồng và địa phương
Không những vậy, việc khai thác trái phép này dẫn đến tình trạng biến dạng của dòng sông, gây sạt lở, ảnh hưởng đến đất đai, và sinh kế của người dân ở lưu vực sông. Trước thực tế trên, huyện Cát Tiên đã có nhiều giải pháp quan trọng, quyết liệt để trả lại những mảng màu xanh cho sông Đồng Nai.
Cuối năm 2017, đầu 2018 hoạt động khai thác, vận chuyển, lập bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên lòng sông Đồng Nai đi qua địa bàn huyện Cát Tiên bất ngờ nổi lên rầm rộ và phức tạp.
Các phương tiện khai thác cát, sỏi trên lòng sông diễn ra cả ngày lẫn đêm với các bến bãi tập kết cát không phù hợp với quy hoạch và biến tướng bằng việc cho thuê đất, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật đất đai…Nhiều khu vực đất vườn của người dân dọc bờ sông chảy qua các địa bàn xã Đức Phổ, Phước Cát 2, Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên phân tích: Các đối tượng khai thác cát trái phép hết sức hung hãn. Khi xuống dòng sông Đồng Nai dốc quanh co, nước chảy siết. Cho nên việc truy đuổi khống chế hết sức khó khăn cho Công an và lực lượng liên ngành. Các đối tượng này lợi dụng khai thác trái phép ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác chủ yếu ban đêm cho nên việc truy đuổi xử lý rất khó khăn. Ngân sách huyện hỗ trợ Công an mua sắm 1 fly cam, huyện sắm 1 chiếc cano phục vụ công tác tuần tra kiểm tra, mua camera giám sát bến bãi kiểm tra xử lý theo quy định.
Từ thực tế trên, huyện Cát Tiên đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng vận chuyển, khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Trong đó, chủ công là Công an huyện Cát Tiên đã triển khai tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, các tổ phản ứng nhanh thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát dọc trên các tuyến sông đoạn chảy qua địa bàn huyện. Song song
Thượng tá Lê Văn Việt, Phó Trưởng Công an huyện Cát Tiên nói: Qua rà soát nắm chắc nhân hộ khẩu trên địa bàn nhất là các đối tượng liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép. Mời gọi hỏi cho ký cam kết không tham gia vào khai thác khoáng sản trái phép. Nhưng qua các vụ việc xử lý các đối tượng chủ yếu các đối tượng ở địa bàn giáp ranh, do đó Công an huyện đã phối hợp với các đơn vị bạn quản lý, ký cam kết không tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Cát Tiên đã phối hợp với Phòng Tài Nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cát Tiên và các lực lượng chuyên trách huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai tiến hành khảo sát, thống kê thực tiễn và đánh số thứ tự mỗi tàu có gắn thiết bị bơm, hút cát trên lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 03 địa bàn giáp ranh. Qua đó đã phát hiện 50 tàu có gắn thiết bị bơm, hút cát, nhưng không có đăng kiểm, trong đó 22 tàu neo đậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, 23 tàu neo đậu của tỉnh Bình Phước, 05 tàu neo đậu tỉnh Đồng Nai. Ghi nhận tại các địa bàn từng nóng về khai thác cát trái phép ở xã Phước Cát 2, xã Quảng Ngãi… hiện nay tình trạng khai thác cát đã được chấm dứt, những mỏ cát lộ thiên không còn cảnh tấp nập xe tải cùng máy móc khai thác.
Hôm nay, dòng sông Đồng Nai chảy qua địa bàn huyện Cát Tiên đã dần trong xanh trở lại. Việc vào cuộc của huyện Cát Tiên, vai trò của chính quyền địa phương cơ sở, cùng công tác phối hợp giữa các địa phương giáp ranh đã góp phần giải quyết tốt, triệt để nạn cát tặc. Qua đó không chỉ từng bước bồi đắp phù sa, duy trì nguồn lợi thuỷ sản, mà còn hạn chế tối đa sự xâm thực, sụt lún đất canh tác và mang lại bình yên đến với đời sống của người dân vùng ven sông.
Hoàng Phúc