Tin tức

Kon Tum : Đưa cồng chiêng vào trường học

Thứ bảy, 10/12/2022 - 09:00

Tỉnh Kon Tum được biết đến là vùng đất mang đậm dấn ấn văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tại chỗ như Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng…Xác định vai trò của giáo dục về bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã không ngừng đưa cồng chiêng vào trong trường học.


 
Toàn tỉnh hiện có 361 trường mầm non và phổ thông. Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, các trường học, nhất là trường đông học sinh người DTTS đã triển khai nhiều hoạt động giữ gìn văn hóa cồng chiêng. Trong đó, lồng ghép vào những bài học trên lớp và hướng dẫn học sinh đánh chiêng, múa xoang qua chương trình ngoại khoá. Để tiếp thêm động lực cho học sinh, các trường thường xuyên tổ chức các sân chơi như cuộc thi, hội diễn cồng chiêng, múa xoang. Trong đó có Hội diễn Cồng chiêng –Xoang học sinh trường PT DTNT, PT DTBT tỉnh Kon Tum. Từ năm 2016 đến nay, Hội diễn được duy trì tổ chức 2 năm một lần.

Trong nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa của mọi vùng miền và sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ. Điều này phần nào khiến thế hệ trẻ dần xa rời giá trị văn hoá truyền thống. Do vậy, vai trò của ngành giáo dục trong nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng cho học sinh rất quan trọng. Nhờ tham gia các hoạt động trong trường, số học sinh biết đánh cồng chiêng, múa xoang trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Các em đều tự hào khi được biểu diễn từng điệu xoang, nhịp chiêng và trình diễn những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc mình.
Cồng chiêng được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trong quá trình đưa cồng chiêng vào trường học, những nghệ nhân, già làng, người có uy tín cùng đồng hành truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp hoạt động bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng của nhà trường đi vào chiều sâu. Đặc biệt, hình thành sợi dây kết nối giữa trường học với cộng đồng.
Thời gian qua, công tác giáo dục ở vùng DTTS luôn được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm. Trong đó có hoạt động giữ gìn không gian văn hoá cồng chiêng của ngành GD&ĐT. Đây là một trong những giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của nhân loại do chính các em học sinh, thế hệ tương lai là người tiếp nối và được trao truyền./.

Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng
 

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa