Tin tức

Ấn tượng Festival : Đà Lạt – Thành phố bốn mùa hoa

Thứ sáu, 13/01/2023 - 08:23

(Lamdongtv.vn) - Năm 2022 cùng với nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du khách khẳng định Đà Lạt là thành phố Festival của Việt Nam. Festival hoa Đà Lạt đã trở thành điểm nhấn quan trọng thúc đẩy nghề trồng hoa, trồng rau cũng như du lịch Đà Lạt nhằm quảng bá thương hiệu Đà Lạt


 
Ngày 18/12, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 với chủ đề “Đà Lạt – Thành phố bốn mùa hoa” đã khai mạc với chương trình nghệ thuật hoành tráng, ấn tượng. Đà Lạt sau gần 130 năm hình thành và phát triển, không chỉ khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, mà còn góp phần tích cực phát triển vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững. Sau 8 lần tổ chức thành công, Festival Hoa Đà Lạt để lại ấn tượng đẹp, sâu sắc trong lòng du khách và bạn bè trong và ngoài nước, trở thành một không gian văn hóa, nghệ thuật, thương mại và đầu tư, góp phần đưa Đà Lạt - Lâm Đồng ra với thế giới. Festival hoa Đà Lạt đã trở thành điểm nhấn quan trọng thúc đẩy nghề trồng hoa, trồng rau cũng như du lịch Đà Lạt phát triển vượt bậc, quảng bá thương hiệu Đà Lạt - Lâm Đồng cùng những đặc sản địa phương đến với du khách trên khắp mọi miền xứng tầm với thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cũng như chuẩn mực của con người Đà Lạt: "hiền hòa - thanh lịch - mến khách".
 

 
Với chủ đề "Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững", Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng đã được tổ chức tại Tp Đà Lạt. Đây là hội nghị "ba trong một" với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ và xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Hội nghị đã nghe một số tham luận quan trọng nhằm góp phần giúp vùng Tây Nguyên phát triển xanh, bền vững như: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc; Phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên theo hướng hiệu quả cao, hàng hóa, hữu cơ, đặc sản gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; Giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản và khai thác, chế biến bô-xit, alumin, nhôm tại Tây Nguyên. 
 

 
Cũng trong khuôn khổ của hội nghị đã diễn ra chương trình xúc tiến đầu tư và triễn lãm ảnh vùng Tây Nguyên với thông điệp giúp Tây Nguyên huy động tốt mọi nguồn lực phát triển; thực hiện trao đổi thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa các bộ, ngành với các đối tác phát triển. Đồng thời trao các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 
 
Tại Quảng Trường Lâm Viên, TP.Đà Lạt, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và đơn vị tài trợ tổ chức lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 17 và trao giải Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2022. Tại chương trình, Ban tổ chức đã tôn vinh và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 17 cho 32 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu được lựa chọn từ 81 hồ sơ của 45 tỉnh, thành Đoàn. Trong đó có 25 nam, 7 nữ; 2 thanh niên là người dân tộc thiểu số. Theo Ban tổ chức, đây là giải thưởng thường niên nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Qua 17 năm tổ chức, Giải thưởng Lương Định Của đã tôn vinh 2.050 “Nhà nông trẻ xuất sắc”. Tại chương trình cũng tiến hành trao giải Cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2022 với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích.

 
Chương trình được xây dựng theo dạng sử thi, gắn với nội dung tái hiện vùng đất, con người B’Lao xưa và Bảo Lộc ngày nay về hương đất, tình người; thủ phủ trà-tơ lụa Bảo Lộc trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, sử dụng các hoạt cảnh múa, hoạt cảnh sân khấu có lời bình để xâu chuỗi các sự kiện, tạo cảm xúc cho người xem qua các giai đoạn lịch sử gắn với sự phát triển ngành trà và tơ lụa Bảo Lộc, qua các chương khát vọng B’Lao, hương đất-tình người, hương trà-sắc tơ và hội nhập-tỏa sáng. Với sự dàn dựng, biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật trung ương và địa phương đã đem đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau, thông qua các tiết mục đã góp phần khẳng định danh xưng “Bảo Lộc-thủ phủ trà và tơ lụa của Việt Nam”. Thông qua chương trình nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển ngành nghề sản xuất trà và tơ lụa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc sau 2 năm gián đoạn do đại dịch. 
 
Không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” và trình diễn thời trang lụa thổ cẩm Tây Nguyên được diễn ra tại sân khấu trên hồ Xuân Hương với hơn 5 nghìn cổ vật được nhà sưu tầm cổ vật Đặng Minh Tâm sưu tầm hơn 40 năm qua của các dân tộc Tây Nguyên. Với bộ sưu tập đồ sộ mang đậm dấu ấn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên đã mang đến cho người xem những cảm nhận đặc biệt và đó cũng là thông điệp mà nhà sưu tầm muốn gởi đến mọi người. Song song đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật thời trang Tơ lụa - Con đường Di sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vietnam Silk House. Khán giả được chiêm ngưỡng những bộ trang phục độc đáo bằng tơ lụa với hoa văn thổ cẩm của nhà thiết kế Minh Hạnh. Trong cái lạnh chớm đông, không gian biểu diễn trở nên thi vị và mang đậm chất thơ với phần trình diễn của các người mẫu chuyên nghiệp và các chàng trai, cô gái các dân tộc Tây Nguyên.

 
Tại sân khấu bên bờ hồ Xuân Hương, UBND TP Đà Lạt và Công ty TNHH Việt Nam Silk House đã tổ chức chương trình biểu diễn “Lụa” quà tặng của nhân gian. Từ lâu lụa đã trở thành biều trưng của vẻ đẹp thanh cao, lụa mang lại sự an yên cho con người, vì vậy các bộ sưu tập mang tên “Lụa” quà tặng của nhân gian không chỉ là áo dài uyển chuyển, mềm mại thướt tha mà có lúc lụa cũng được trình làng với vẻ cứng rắn, mạnh mẽ…đây cũng là thông điệp mà các nhà thiết kế các sản phẩm trên nền tơ lụa của Lâm Đồng muốn mang đến cho khán giả tại chương trình này, một món ăn tinh thần thi vị trong dịp Festival hoa Đà Lạt 2022.     
 

 
Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp các Bảo tàng Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã khai mạc triển lãm với chủ đề không gian hoa và tượng gỗ Tây Nguyên giới thiệu hơn 1.000 chậu hoa, gồm các loại hoa đặc trưng ở TP Đà Lạt và 100 tượng gỗ được tuyển chọn từ các nhà điêu khắc, các nghệ nhân ở vùng đồng bào dân tộc ít người của các tỉnh Tây nguyên. Bao gồm tượng gỗ nghệ thuật, tượng dân gian và tượng mang yếu tố tâm linh dùng trong các nghi lễ mừng lúa mới, nghi lễ vong đời, lễ bỏ mả.v.v  các tượng gỗ là những tác phẩm do các nghệ nhân, các nhà điêu khắc ở các tỉnh Tây Nguyên sáng tác bằng thân cây gỗ tự nhiên cùng với các dụng cụ thô sơ như dao, rìu, xà ngạt.v.v. các nghệ nhân đã lồng cảm xúc thổi hồn vào để tạo nên bức tượng chân phương, mộc mạc  nhưng không kém phần sinh động, hấp dẫn.
 

 
Phiên chợ Rau Hoa với sự tham gia của gần 50 tổ chức, cá nhân với 90 gian hàng rau, hoa và các sản phẩm OCOP đặc trưng, thế mạnh của thành phố và mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giới thiệu những thành tựu mới nhất về sản phẩm hoa, giống cây trồng mới, về kỹ thuật canh tác, công nghệ tưới tiêu hiện đại, những sản phẩm công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp giới thiệu những nét mới lạ của ngành hoa Đà Lạt. Phiên chợ Rau Hoa tại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022 cũng chính là không gian xúc tiến thương mại, là địa điểm thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm rau, hoa và các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của thành phố gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác và ký kết các hợp đồng thương mại.

 
Tiếp tục các hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 9, Sở công thương tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND  thành phố Đà Lạt khai mạc chương trình Phố trà, cà phê, rượu vang  và đặc sản Đà Lạt – Lâm Đồng tại công viên  Hồ Xuân Hương.  Quy tụ các sản phẩm chất lượng của 38 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh  sản xuất, chế biến từ những loại nguyên liệu được canh tác  tại địa phương. Đây là sự kết tinh kỳ diệu từ miền đất lành gắn với bàn tay cần cù và óc sáng tạo của con người Đà Lạt để mang đến cho thực khách những cảm nhận ấn  tượng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Lâm Đồng giới thiệu, sản phẩm; là cầu nối hữu hiệu giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, quảng bá các sản phẩm của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ; là điểm đến hấp dẫn người dân và du khách trong dịp diễn ra Festival Hoa Đà Lạt này. 
 

 
Chương trình nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên con người Đà Lạt - Lâm Đồng, ca ngợi thành phố Festival Hoa, ca ngợi vẻ đẹp quên hương, đất nước. Với các ca khúc như” Một thoáng Lâm Đồng, phố hoa, phố núi chiều xuân, sắc năng mua hoa Đà Lạt, Đà Lạt thành phố ngàn hoa v.v… được các ca sĩ là những người con Đà Lạt - Lâm Đồng và các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn. Cùng với các ca khúc là các màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc khác. Lễ hội Canaval đường phố thu hút đông đảo người dân tham dự với nhiều hoạt động hấp dẫn… đã đem đến cho khán giả những cảm xúc sâu. 
 

 
Ngoài ra, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 9 năm 2022 còn diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng khác như Triển lãm hình ảnh Festival hoa Đà Lạt qua 8 kỳ tổ chức, Hội chợ thương mại Quốc gia; Giao lưu văn hóa nghệ thuật Đà Lạt - Chuncheon Hàn Quốc; Đà Lạt - Du lịch những làng hoa; Giải bóng đá Tứ hùng; Giải đua ngựa không yên và liên hoan ẩm thực - rượu cần Langbiang Lạc Dương cùng nhiều chương triển hấp dẫn khác được diễn ra tại các địa phương trong tỉnh./.
 

 
Hoàng Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa