(Lamdongtv.vn) - Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 của Chính phủ
Tham dự có Phó Thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái, Lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương và 63 điểm cầu các địa phương. Tại điểm cầu Lâm Đồng có Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các Sở, Ban, Ngành, Hội đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tham dự.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, qua 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 của Chính phủ đến nay nguồn vốn này đã thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đối tượng thụ hưởng, từ mặc cảm tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn, tính toán làm ăn đạt hiệu quả thiết thực, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, sau 20 năm triển khai, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở, với cách thức tác nghiệp đặc thù, hiệu quả, phù hợp với hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Đến nay, dư nợ nguồn vốn ước đạt trên 297.000 tỷ đồng, tăng 290.000 tỷ đồng so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,4%, với gần 20 chương trình cho vay tín dụng chính sách ưu đãi. Riêng tại Lâm Đồng, tổng nguồn vốn đạt trên 4.660 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 22,4%. Hoạt động của nguồn vốn tín dụng ưu đãi do Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thời gian qua đã tạo điều kiện cho trên 735.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng khác được vay vốn.
Theo đánh giá, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc ra đời nguồn vốn tín dụng chính sách còn tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Tại hội nghị, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cùng các Bộ, Ngành Trung ương, các đơn vị, địa phương đã trình bày các tham luận làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc triển khai, thực hiện các chương trình, tín dụng chính sách, đặc biệt là công tác phối hợp triển khai các chương trình cho vay, đánh giá chất lượng các chương trình tín dụng cho vay, đối tượng vay, mức vay.. từ đó đề xuất các giải pháp nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả nguồn tín dụng chính sách thời gian tới./.
Hoàng Ái