(Lamdongtv.vn) - Ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ trì hội nghị đánh giá hoạt động tín dụng chính sách xã hội năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023
Tham dự có các thành viên Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các Sở Ngành liên quan.
Năm 2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lâm Đồng đã bám sát mục tiêu định hướng để chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội nhằm giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm, tổng nguồn vốn đạt gần 5 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm. Tổng dư nợ hơn 4 ngàn 760 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm hơn 3 ngàn 576 tỷ đồng, chiếm hơn 75% /tổng dư nợ. Nợ quá hạn hơn 2,8 triệu đồng, chiếm tỷ lệ tỷ 0,06% /tổng dư nợ. Chi nhánh có 142 Điểm giao dịch, thông tin các chương trình tín dụng chính sách, lãi suất,dư nợ, địa chỉ đường dây nóng, thủ tục giải quyết công việc được công khai đầy đủ, kịp thời đúng quy định. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra với hơn 2.200 hộ nghèo, 5.889 hộ cận nghèo và 3.600 hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho hơn 10 ngàn lao động, 3.826 gia đình học sinh sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập, 2.500 gia đình học sinh sinh viên vay vốn mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến, giúp cho 11.717 hộ gia đình tại vùng nông thôn xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ, qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2022 còn 1,94%. Trong năm 2023,ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng phấn đấu huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân và tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Nhận chuyển vốn ủy thác đầu tư tại địa phương tăng trên 100 tỷ đồng. Dư nợ tăng trưởng từ 10% trở lên. Tỷ lệ nợ quá hạn nhỏ hơn hoặc bằng 0,06%/tổng dư nợ; Tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt trên 97%, 50% Điểm giao dịch xã đạt tiêu chí Điểm giao dịch xã kiểu mẫu.
Để đạt được các mục tiêu trên, phát biểu tại hội nghị, ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng yêu cầu ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện các giải pháp cụ thể như: Đối với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản của các cấp trong đó trọng tâm là bổ sung vốn ủy thác đầu tư tại địa phương để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tạo việc làm và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Thành viên Ban đại diện chủ động thực hiện kiểm tra giám sát tại địa bàn được phân công phụ trách; tổ chức thành công Tuần lễ huy động tiết kiệm để bổ sung nguồn vốn. Đối với thành viên Ban đại diện là lãnh đạo các sở, ngành cần chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện tốt Đề án cho vay thanh niên khởi nghiệp. Tập trung chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, nguồn vốn phát huy được hiệu quả. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức chương trình “Tuần gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Tiếp tục làm tốt công tác tự kiểm tra, kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra hoạt động Điểm giao dịch xã. Tăng cường công tác kiểm tra sau cho vay, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả. Đồng thời tuyên truyền hội viên, nhân dân tích cực hưởng ứng việc gửi tiền nhà rỗi vào NHCSXH để tạo lập nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách./.
Mai An