(Lamdongtv.vn) - Thời gian qua dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, việc triển khai xây dựng các công trình đường giao thông được khẩn trương thực hiện.Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít công trình, dự án đang gặp khó khăn do vướng khâu giải phóng mặt bằng khiến tiến độ đầu tư chậm, khó hoàn thành kế hoạch đề ra.
Thực trạng này ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông đi lại của người dân cũng như công tác đầu tư công chung của tỉnh.
Tuyến giao thông nội thị giai đoạn 2 của huyện Di Linh chỉ hơn 3,8km, tuy nhiên có tới gần 400 hộ gia đình có đất nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Đây là một khó khăn lớn cho chủ đầu tư. Thế nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hầu hết người dân đều đồng thuận cao và sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Gia đình ông K’Gẹo ở Tổ dân phố K’Minh thị trấn Di Linh thuộc diện này. Dù phải cắt mất hơn 30m2 mặt tiền nhà ở, tuy nhiên vì lợi ích chung của cộng đồng, của địa phương, Ông đã vui vẻ hiến đất để công trình đường vành đai nội thị được sớm khởi công xây dựng.
Ông K’Gẹo, tổ dân phố K’Minh, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh nói: Sau khi có chủ trương của huyện bà con hiểu được tầm quan trọng của xây dựng đô thị văn minh nên bà con rất ủng hộ. Như nhà tôi đây thì so với diện tích mặt sân phía trước thì hiến cón 1/3, mình hiến khoảng 30 đến 40m2
Nhờ sự đồng thuận của người dân trong hiến đất giải phóng mặt bằng, sau hơn năm thi công, đến nay dự án này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình. Tuy nhiên trên thực tế, không phải dự án nào mọi việc cũng diễn ra thuận lợi như ở huyện Di Linh. Do những bất cập tồn tại trong quá trình triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều dự án rơi vào tình trạng ì ạch về tiến độ. Công trình tuyến giao thông nối từ đường Lữ Gia phường 9 tới Hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt là một ví dụ. Được khởi công từ tháng 9 năm 2021 với tổng chiều dài hơn 1,6km. Tuy nhiên đến nay mới có 500m được thi công do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Hiện vẫn còn 80/170 hộ chưa nhận tiền đề bù để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Sự chênh lệch mức giá đền bù, vấn đề tái định canh định cư cũng như thiếu sự bài bản trong công tác tuyên truyền vận động được coi là nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án giao thông này.
Ông Đỗ Tuấn, phường 9, TP Đà Lạt chia sẻ: Dân thì đồng tình việc làm đường, cái này là tốt. Nhưng mà công tác đền bù giải phóng mặt bằng thì cần thực hiện đúng. Ví dụ như là cần phải họp dân. Thông báo cho dân chứ đằng này không. Giá cả thì cũng phải phù hợp, chứ chỗ tôi giờ đất nông nghiệp thì đền bù có 4 triệu, còn đất ở thì có 8 triệu. Giá như vậy là không hợp lý với giá thị trường...rồi cái tái định canh định cư nữa cần phải thực hiện tốt hơn nơi ở cũ
Không chỉ dự án tuyến giao thông Lữ Gia-Hồ Xuân Hương thành phố Đà Lạt, hiện nhiều dự án khác như tuyến đường 19/5 huyện Lạc Dương hay tuyến giao thông Phi Tô-Xã Lát nối hai huyện Lâm Hà và Lạc Dương cũng đang vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Mặc dù người dân đều thống nhất cao với chủ trương đầu tư của nhà nước, tuy nhiên việc triển khai của chủ dự án chưa hợp lý trong khâu đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng khiến có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Tại gói thầu số 4, tuyến Phi Tô-Xã Lát thi công trong giai đoạn 2022-2024, hiện mới có 50/170 hộ bàn giao mặt bằng. Khó khăn trong xác minh chủ sở hữu đất cũng như chậm triển khai phương án đền bù hỗ trợ thu hồi đất đang ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình này.
Ông Đại úy Lâm Quốc Lịch, Chỉ huy Trưởng gói thầu số 4 Phi Tô-Xã Lát nói: Hiện chúng tôi đã tiến hành làm mặt bằng được hơn 1,6 km. Toàn tuyến hơn 5km. Nếu mà chậm giải phóng mặt bằng thì chúng tôi đành phải tạm dừng thi công để chờ. Mà lo nhất là để qua mùa mưa thì rất khó làm
Trong khi đó người dân nơi có dự án tuyến Phi Tô-Xã Lát cũng đang nóng lòng chờ đơn vị chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lâm Hà thực hiện công tác chi trả đền bù giải phóng mặt bằng sớm và phù hợp với tình hình sử dụng đất cũng như mức giá đất của địa phương.
Ông K’Điều, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà nói: Bà con thì rất là phấn khởi và đồng thuận khi mà có dự án về làm đường giao thông như thế này. Chúng tôi cũng mong là ngành chức năng thì sớm thực hiện chi trả đền tiền đền bù mặt bằng cho người dân. Đặc biệt là những trường hợp mà hiện nay đang chưa xác định được chủ đất.
Có thể thấy, để công trình được thực hiện đúng tiến độ thì việc xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng cũng như mức giá đền bù, vấn đề tái định canh định cư khi thu hồi đất cho các dự án là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần được chính quyền cũng như các đơn vị chủ đầu tư thực hiện, nhất là cần tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Phó Ban QLDA Đầu tư XD&CTCC huyện Lâm Hà cho hay: Xác định công tác giải phóng mặt bằng bao giờ cũng phức tạp. Cho nên là chúng tôi cũng sẽ xây dựng cái bảng giá đền bù phù hợp và sớm thông qua để nhân dân thực hiện. Còn đối với những trường hợp vắng mặt hay chưa xác định được chủ đất để đền bù giải phóng mặt bằng thì chúng tôi sẽ cùng với chính quyền các cấp phối hợp giải quyết. Sau đó sẽ giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Nhật Thông, Phó Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Đà Lạt cho biết: Việc giải phóng mặt bằng đoạn đầu đã được thực hiện. Tuy nhiên hiện đơn già đã thay đổi và có sự chênh lệch mức giá đền bù giải phóng mặt bằng từ lúc lập dự án cho tới lúc dự án được phê duyệt triển khai thực hiện. Nhiều người dân không đồng ý với mức giá đền bù cũ. Về vướng mắc này thì chúng tôi sẽ sớm làm việc với các đơn vị chức năng để xin điều chỉnh mức giá đền bù giải phóng mặt bằng cho hợp lý.
Đền bù giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng đầu tiên khi triển khai các dự án về đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án đường giao thông. Hy vọng ngành chức năng các cấp và các Ban quản lý dự án sẽ có sự phối kết hợp chặt chẽ khi triển khai xây dựng các công trình dự án. Sớm giải quyết hợp lý những tồn tại bất cập về mức giá đền bù, tổng chi phí đền bù hỗ trợ, công tác thống kê, lập danh sách cũng như vấn đề tái định canh định cư sau giải tỏa. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để người dân thông hiểu và đồng thuận với chủ trương của nhà nước về xây dựng các công trình, các dự án giao thông. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của mỗi địa phương./.
Văn Thế