(Lamdongtv.vn) - Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu khả quan. Trong đó: Kinh tế tiếp tục tăng cao ,các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch và hầu hết các ngành, lĩnh vực đã phục hồi khởi sắc và đạt kết quả đáng ghi nhận
Tổng thu ngân sách vượt kế hoạch và tăng khá so với cùng kỳ, có được kết quả nêu trên chính là nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân luôn thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực. Nhân hội nghị thi đua yêu nước năm 2023, được tổ chức vào ngày 28/2, chúng ta cùng nhìn lại những kết quả của các phong trào thi đua năm vừa qua.
Để thực hiện nhiệm vụ về công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Đạ Huoai đã bám sát cơ sở, nắm bắt tìm hiểu cụ thể về tình hình và đặc điểm của từng đối tượng hộ nghèo từ đó đề ra giải pháp phù hợp giúp người dân cải thiện thu nhập, giải quyết khó khăn, nâng cao đời sống. Nhờ cách làm thiết thực này, nhiều hộ nghèo đã sớm được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, đồng thời có điều kiện đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống. ừ thành quả chung đó, đã góp phần cùng với các địa phương trong tỉnh kéo giảm hộ nghèo. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh còn 1,94%, giảm 0,93% so với năm 2021, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 5,65% theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025.
Song song với Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đánh giá từ thực tiễn, Phong trào thi đua “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới” của tỉnh luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó 02 tiêu chí quan trọng là thu nhập và giảm hộ nghèo đã đạt cao hơn so với mặt bằng toàn quốc. Tính đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 107/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 40 xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 05 huyện (gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các phong trào thi đua “Cùng cả nước, Doanh nghiệp Lâm Đồng hội nhập và phát triển”, Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng thi đua thực hiện văn hóa công sở”, từng bước được chú trọng và đẩy mạnh. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 1.396 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16% so với cùng kỳ; tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 12.495 doanh nghiệp gắn với chuỗi liên kết ngang, liên kết dọc để cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tập trung xây dựng được thương hiệu, nhãn mác bao bì, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc chế biến các sản phẩm sau thu hoạch. Song song đó, chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 theo Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ được các ngành, đơn vị địa phương quan tâm. Toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng hàng triệu cây xanh, trên đất lâm nghiệp, phi lâm nghiệp và trên các trục đường, tuyến phố. Đến nay đã trồng 6,6 triệu cây xanh theo kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025. Phong trào thi đua đã góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; qua phong trào thi đua cũng hướng đến việc thay đổi tư duy, nhận thức, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của cây xanh đối với cuộc sống.
Qua các phong trào thi đua, đã có nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu, tích cực tham gia hưởng ứng, có nhiều thành tích xuất sắc được ghi nhận. Các điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng kịp thời đã tạo sức lan tỏa, thực sự là những bông hoa đẹp điểm xuyết và là nguồn động lực cổ vũ, động viên, mọi tầng lớp nhân dân của tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương, là nền tảng để Lâm Đồng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững./.
Hoàng Phúc