Tin tức

Lâm Đồng: Phát huy giá trị đề cương văn hóa Việt Nam

Chủ nhật, 05/03/2023 - 07:09

(Lamdongtv.vn) - Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa; có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển và “Soi đường cho quốc dân đi”. Mặc dù còn ở dạng đề cương, nhưng đã có vai trò to lớn và định hướng xuyên suốt hoạt động trên mặt trận văn hóa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo

Trong suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của bản Đề cương đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển. Thời gian qua tỉnh Lâm Đồng đã và đang gìn giữ cũng như phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi của giá trị mà đề cương mang lại. 
 

 
Ra đời trước cách mạng tháng 8, khi đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2-1943, được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa dựa trên 3 nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam là: dân tộc hóa – đại chúng hóa và khoa học hóa. Điều này cho thấy, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển văn hóa. Tại hội thảo khoa học cấp Quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 – 2023 do Ban Tuyên giáo TW; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vừa phối hợp tổ chức đã nêu rõ những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong suốt 80 năm qua; tạo sự lan tỏa, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và khát vọng cống hiến của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân nói chung, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước nói riêng. Đối với những người làm công tác chính trị tại Lâm Đồng đã nhìn nhận vai trò quan trọng của đề cương văn hóa qua suốt chặng đường 80 năm và vận dụng thực tiễn cụ thể để phát huy giá trị văn hóa nội sinh.
 

 
Bối cảnh xã hội ngày nay đòi hỏi văn hóa phải gánh vác thêm những nhiệm vụ quan trọng khác. Trong đó, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu văn hóa đóng góp cho đất nước khoảng 7% GDP. Tại Lâm Đồng, ngành văn hóa cũng tập trung chú trọng tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa trong thời đại mới, không chỉ gìn giữ mà còn phát huy rõ nét những giá trị văn hóa trong mỗi con người.

80 năm qua, những nguyên tắc ấy được kế thừa, bồi đắp, giúp cho văn hóa trở thành 1 sức mạnh nội sinh, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh mới. Khẳng định những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng, quá trình vận dụng, phát triển những tư tưởng cốt lõi trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam là dịp để chúng ta nhìn lại và đánh giá khách quan, đầy đủ hơn ý nghĩa, giá trị to lớn của bản Đề cương đối với công cuộc xây dựng văn hóa nước nhà, từ đó càng trân quý và ra sức giữ gìn, phát huy và phát triển trong giai đoạn mới; trong đó phải luôn kiên định nguyên tắc “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa”, thể hiện dòng chảy xuyên suốt của sự phát triển văn hóa, quan điểm và tư tưởng định hướng của Đảng về văn hóa nhằm khẳng định sứ mệnh của văn hóa là “soi đường cho quốc dân đi”.
 
Bích Thảo

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa