Năm 2023, ngành Điều dự kiến đứng trước nhiều khó khăn khi xuất khẩu đầu năm liên tiếp sụt giảm về kim ngạch, bị cạnh tranh khốc liệt về giá với các loại hạt dinh dưỡng khác. Để vượt lên khó khăn, không gì khác là chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, mang lại giá trị cao và ổn định
. Đồng thời linh hoạt kế hoạch sản xuất, chờ thị trường khởi sắc trở lại.
Khác với hoạt động sản xuất sôi nổi, nhộn nhịp, 2 tháng đầu năm nay, nhiều nhà máy điều tại Bình Phước, Đồng Nai lại hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp ghi nhận mức sụt giảm 2 con số. Tính chung toàn ngành, kim ngạch xuất khẩu nhân điều tháng 2 cũng đã giảm 14,3% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại đối với toàn ngành, nhưng không phải là không dự đoán được.
Thực trạng phát triển nóng ngành điều diễn ra nhiều năm, cạnh tranh mua nguyên liệu giá cao, bán nhân giá thấp, không chỉ hệ lụy đến giá trị, mà còn báo động về vấn đề chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một thách thức, buộc ngành điều phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu năm nàychỉ đạt 3,1 tỷ USD, tăng chưa tới 1% so với năm 2022.
Dù được xem là một cách để “thanh lọc” các doanh nghiệp trong ngành, nhưng cũng phải thừa nhận, những bất cập này đã kéo dài nhiều năm mà chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc tập trung xuất thô là chính, khiến ngành điều không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà nhập khẩu, mà còn phải loay hoay nhiều năm trên con đường tìm kiếm giá trị gia tăng.
Chế biến sâu có thể tăng giá trị lên 2-3 lần so với bán thô, nhưng là câu chuyện của đường dài, vì không phải doanh nghiệp nào cũng gỡ được nút thắt về vốn. Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, tránh thiệt hại khi mua nguyên liệu giá cao, bán không lợi nhuận. Đồng thời chủ động mở rộng tệp khách hàng, tích lũy cơ hội và chờ thị trường tiêu dùng khởi sắc ./.
Tin từ phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng