Kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm chính là nguyên nhân khiến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó. Điều này đã được dự báo trước từ cuối năm 2022 đến nay, khi đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản… giảm mạnh.
Thủy sản là một trong những ngành hàng có sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Riêng đối với thủy sản, xuất khẩu tháng 1 giảm đến 48% so với cùng kỳ 2022, chỉ đạt 456 triệu USD. Sang tháng 2, xu hướng xuất khẩu có dấu hiệu khả quan hơn nhưng so với cùng kỳ với mức tăng khiêm tốn và chưa phản ánh xu hướng hồi phục.
2 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là dấu hiệu cho thấy động lực tăng trưởng đang suy giảm.
Sụt giảm của nhu cầu thế giới, tác động từ mở cửa nền kinh tế sau kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể làm hàng hóa Việt Nam phải gặp cạnh tranh nhiều hơn tại các thị trường xuất khẩu. Do đó, Bộ Công Thương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, các giải pháp để đồng thời phát triển thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trầm xuống, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn trong những tháng tới. Hiện Bộ đang triển khai mạnh việc cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung các giải pháp phát triển thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latinh và những thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng