Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 và kết thúc vào ngày hôm nay 15/3. Sau 2 tháng rưỡi triển khai khẩn trương, nghiêm túc, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã đạt được những kết quả khả quan
Sôi nổi, thẳng thắn, các ý kiến được tổng hợp và tiếp thu đầy đủ...là không khí dễ nhận thấy tại các hội nghị lắng nghe nhân dân góp ý vào dự thảo Luật đất đai trên khắp cả nước trong 2 tháng rưỡi vừa qua. Việc lấy ý kiến đã được hưởng ứng tích cực, rộng khắp, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giai tầng xã hội đối với dự án luật rất quan trọng này.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết:
UNDP đánh giá rất cao việc lấy ý kiến của người dân vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Đây là dự luật rất quan trọng, đặc biệt với người dân, trên tinh thần tiếp cận thông tin, trên tinh thần minh bạch và hòa nhập, việc lắng nghe tiếng nói của người dân là rất quan trọng. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ cũng mới thực hiện một nghiên cứu đánh giá về việc công khai thông tin sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh tại VN trong năm 2022. Chúng tôi hi vọng kết quả này cũng sẽ giúp cung cấp thông tin chi tiết về những gì điểm tốt và những điểm cần cải thiện cho các cuộc thảo luận và lấy ý kiến của người dân.
Ngoài các hội nghị, hội thảo, tọa đàm diễn ra sôi nổi, phong phú, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến sáng nay, đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ (phần lớn là ý kiến của các tổ chức). Cùng với đó là hàng nghìn lượt góp ý qua Cổng thông tin điện tử chính phủ, cũng như các góp ý trực tiếp gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đang tổng hợp ý kiến và có báo cáo trước ngày 20/3.Các góp ý tập trung nhiều nhất vào các nội dung: Chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Với khối lượng góp ý đồ sộ, các ý kiến đa chiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: việc tổng hợp ý kiến nhân dân sau đợt lấy ý kiến phải bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ.
Đợt lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi được hưởng ứng tích cực, được mọi tầng lớp nhân dân nghiên cứu rất kĩ lưỡng, tâm huyết và trách nhiệm. Đây là điều ý nghĩa nhất, bởi quá trình soạn thảo Luật càng nghiêm túc, cầu thị, được sự đồng thuận của nhân dân thì Luật sẽ càng đảm bảo chất lượng và sớm đi vào thực tiễn cuộc sống./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng