Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện việc phân loại sản phẩm OCOP. Việc làm này nhằm nâng cao giá trị cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nhờ đó, một số sản phẩm OCOP của Đà Nẵng đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới
Những chiếc bánh dừa nướng này là sản phẩm OCOP đầu tiên của Đà Nẵng được đánh giá và xếp hạng OCOP 5 sao. Hiện sản phẩm này có sức tiêu thụ ổn định tại thị trường nội địa và đã có mặt tại một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các đơn hàng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng đang được đẩy mạnh và có tính cạnh tranh khá tốt.
Theo chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022 – 2025, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu có 135 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, nghiên cứu, hoàn thiện, chuẩn hóa và nâng cấp 2 đến 3 sản phẩm OCOP 4 sao tiềm năng lên 5 sao và đề nghị công nhận sản phẩm OCOP quốc gia để đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện thành phố Đà Nẵng đang hỗ trợ các đơn vị sản xuất, chủ thể sở hữu sản phẩm xây dựng nhãn hàng hóa, hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuẩn ISO.
Đà Nẵng định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, phát triển kinh tế xanh bền vững. Trong đó, đối với các sản phẩm OCOP, ngoài việc hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm, quản lý chất lượng, nhãn mác phù hợp với thị hiếu của thị trường, địa phương còn nghiên cứu, đánh giá để phân hạng sản phẩm cấp Trung ương. Đà Nẵng hiện có 64 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao. Việc phân loại sản phẩm này nhằm nâng cao giá trị cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Với kinh phí 29 tỷ đồng dành cho chương trình phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 – 2025,, sở Công Thương thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức các chương trình kết nối giao thương, nghiên cứu lựa chọn một vài thị trường trọng điểm để ưu tiên xuất khẩu cho sản phẩm OCOP./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng