Tình trạng thiếu hụt đơn hàng từ cuối năm 2022 đến quý I năm nay, khiến các nhà máy liên tục thu hẹp quy mô nhân sự, đồng thời cắt giảm giờ làm và thu nhập của người lao động
So với thời điểm trước tết, tiền lương của các công nhân tại đây có giảm đi đôi chút. Do sức mua của các thị trường chính như Mỹ, EU… giảm, hàng tồn kho nhiều dẫn đến doanh nghiệp bị ép giá.
Để giữ đều việc cho người lao động, đơn vị này đã chấp nhận giảm giá, tìm kiếm các đơn hàng nhỏ lẻ trong ngắn hạn.
Sau 3 lần bàn bạc, thương lượng, lần đầu tiên cam kết có việc làm, không sa thải lao động… đã được chủ sử dụng lao động tại đơn vị này chấp thuận đưa vào thỏa ước lao động tập thể ngay từ đầu năm nay. Sự cố gắng tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và công đoàn cơ sở đã giúp người lao động có thêm động lực làm việc.
Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã báo giảm hơn 34.000 người, trong đó chưa bao gồm 2.358 công nhân của Công ty Pou Yuen Việt Nam. Còn theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9 năm ngoái đến hết tháng 1 năm nay, có gần 550.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm.
Theo đó, 31/3 tới đây sẽ là hạn cuối cùng rà soát các trường hợp người lao động bị giãn việc, mất việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Đây là yêu cầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hỗ trợ , san sẻ kịp thời với những khó khăn của người lao động.
Tin từ phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng