(Lamdongtv.vn) - Ttại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Cùng dự, tại điểm cầu Lâm Đồng có Ông Trần Văn Hiệp, Phó bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch, UBND tỉnh, Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị cho biết; Trong năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai với 1.072 trận thiên tai, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận giông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng. Về công tác tìm kiếm cứu nạn (tính từ 01/01/2022 đến 31/3/2023) toàn quốc đã điều động gần 236.000 lượt người và 21.682 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn 5.464 vụ, cứu được 5.542 người và 349 phương tiện; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 4.473 nhà dân và 198 km đường; thu hoạch 23.540 ha lúa, hoa màu, dập cháy 765 nhà và 815ha rừng, kêu gọi thông báo cho 480.248 phương tiện biết thông tin của bão, ATNĐ để kịp thời di chuyển, tránh trú đến nơi an toàn…..
Hội nghị đã nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá tình hình thiên tai, công tác dự báo, cảnh báo năm 2022 và nhận định về tình hình thiên tai năm 2023, nghe tham luận của 08 địa phương, các Bộ, ngành Trung ương. Tỉnh Lâm Đồng đã tham luận về Công tác phòng, chống, phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai. PCT UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cho rằng Lốc xoáy và mưa lớn là loại hình thiên tai có tần suất xuất hiện nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra, đề xuất cũng như hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả luôn được các sở, ngành, địa phương tham mưu hỗ trợ kịp thời từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai. Mức hỗ trợ cho nhà kính bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh đang ở mức từ 12,5 đến 25 triệu đồng/ha và hỗ trợ nhà bị tốc mái từ 03 đến 10 triệu/căn đã giúp người dân sớm ổn định, khôi phục cuộc sống, phục hồi sản xuất sau thiên tai. Đối với mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát khẩn cấp và đã hỗ trợ ngay 9,2 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai tỉnh để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở và phục hồi sản xuất sau thiên tai.
Từ năm 2017 đến nay, Lâm Đồng đã phân bổ 12 tỷ đồng từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất sau thiên tai. PCT UBND tỉnh cũng đã đề xuất về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số loại cây trồng khác bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đề xuất tiếp tục cấp phát, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đủ năng lực cho lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tỉnh và các ngành có liên quan. Trong đó Lâm Đồng cần 181 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, triển khai ứng dụng tưới tiên tiến tiết kiệm nước.
Để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường Công tác phòng ngừa, Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, Nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng hợp tác quốc tế để ứng phó kịp thời các sự cố có thể xẩy ra. /.
Hoàng Phúc