(Lamdongtv.vn) - Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tháng 4 và triển khai nhiệm vụ tháng 5. Tại hội nghị, các ngành, địa phương đã phân tích thuận lợi, khó khăn và những vướng mắc cần tháo gỡ, tạo đột phá hai lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị.Tham dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh; các sở, ban, ngành và các địa phương tại 13 điểm cầu trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư, trong tháng 4 tình hình sản xuất, chăn nuôi bảo đảm kế hoạch. Toàn tỉnh xảy ra 72 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. 7 vụ có tính chất phức tạp, nổi cộm. Hai tiêu chí số vụ và diện tích thiệt hại giảm, nhưng khối lượng lâm sản thiệt hại tăng 40%. Có 66 vụ được xử lý hành chính, 6 vụ chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu đều tăng. 4 tháng đầu năm, khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 3,1 triệu lượt, tăng hơn 30%. Về đầu tư công, ước đến ngày 30.4.2023 tỷ lệ giải ngân đạt 14% trong tổng vốn được bố trí trên 7.500 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 4.911 tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán địa phương, bằng 99,6% so với cùng kỳ; trong đó thu thuế, phí, lệ phí đạt 3.126 tỷ đồng, bằng 94,4% cùng kỳ. Trong quý 1, Lâm Đồng có 446 doanh nghiệp thành lập mới, 64 doanh nghiệp giải thể, 128 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Có 3 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Lĩnh vực khai thác khoáng sản được quản lý chặt chẽ. Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo, cải cách thủ tục hành chính, quốc phòng, an ninh được triển khai bảo đảm. Đối với tình hình giao thông, 4 tháng qua toàn tỉnh xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, giảm gần 20% số vụ, có 17 người chết, 17 người bị thương.
Tại hội nghị, các ngành, địa phương đã phân tích thuận lợi, khó khăn và nhận diện rõ tình hình thời gian tới, trong đó những vướng mắc cần tháo gỡ, tạo đột phá hai lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách. Theo ngành thuế, dẫn đến số thu đạt thấp ngoài tình hình chung, thì điễm nghẽn đó là kinh tế khó khăn, hoạt động của doanh nghiệp chưa ổn định, một số ngành, lĩnh vực phát triển đạt thấp như thu từ sản lượng điện, thu nhập cá nhân, lệ phí trắc bạ, thu từ môi trường…. Đối với giải ngân vốn đầu tư công, vướng mắc lớn nhất đó mặt bằng, giá cả, nhân công, công trình được bố trí vốn lớn, cần thời gian dài để thực hiện thủ tục triển khai. Nguyên nhân chủ quan, công tác chỉ đạo điều hành của một số địa phương, chủ đầu tư thiếu chặt chẽ, chưa bám sát cơ sở, tiến độ các công trình; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng rất chậm; việc khảo sát giá chưa làm tốt; công tác áp giá bồi thường liên quan đến giải phóng mặt bằng cho công trình chưa hợp lý, thiếu tính sát thực với giá thị trường; một số chủ đầu tư chưa xác định được vai trò, trách nhiệm của mình, vẫn còn ỷ lại cho chính quyền; các đơn vị tư vấn, nhất là đơn vị thi công dù trúng thầu nhưng thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm trong thi công đối với công trình của nhà nước, vấn đề này cần được kiểm tra, xử lý nghiêm, cần thiết điều chỉnh công trình, rút vốn với doanh nghiệp không bảo đảm năng lực. Đặc biệt, một số công trình dù có khối lượng, nhưng chủ đầu tư không thực hiện giải ngân…
Về tình tình hình dịch bệnh Covid-19, 4 tháng qua trên địa bàn tỉnh phát hiện 91 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh tiếp tục được đẩy mạnh, bảo đảm sức khỏe người dân. Đến nay cơ bản hoàn thành bao phủ vắc xin mũi 1 và 2 cho người dân, mũi 3 đạt 97%, mũi 4 đạt 97,2%, liều bổ sung đạt 92,2%; tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi được triển khai bảo đảm. Theo Ngành Y tế, dù được kiểm soát tốt, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp dịch Covid-19 hiện nay trên trên cả nước, Lâm Đồng không được chủ quan mà tiếp tục đưa ra các giải pháp phòng chống tích cực.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, khẳng định: Nhìn chung trong quý 1 các chỉ tiêu phát triển KTXH tiếp tục ổn định. Một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá. Tuy nhiên, hai chỉ số quan trọng nhất đó là thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Ông Võ Ngọc Hiệp, phân tích, vì sao tỷ lệ giải ngân của các huyện, thành phố cao hơn các sở, ngành, nhưng thu ngân sách lại thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh. Dự báo thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, các ngành, địa phương cần nhận diện rõ, dự báo tốt, để tháo gỡ, nhất là chỉ số thu thuế
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, chỉ rõ những bất cập, khó khăn và cả trách nhiệm các cấp, ngành và năng lực của đơn vị thi công. Điều này thể nhiện khá rõ qua các đợt kiểm tra vừa qua, sự bị động trong công tác điều hành chung của chính quyền và các đơn vị quản lý nhà nước:
Liên quan đến công tác bảo vệ rừng, ông Võ Ngọc Hiệp, cho rằng: Dù được tăng cường các giải pháp quản lý nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là xảy ra các vụ cháy rừng gần đây đang đạt ra công tác quản lý cho ngành lâm nghiệp, chủ rừng và chính quyền cơ sở thời gian tới tiếp tục chủ động hơn nữa, triển khai tốt các phương án ngăn ngừa, đặc biệt là cao điểm mùa khô đang trong giai đoạn khắc nghiệt. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch chung, quy hoạch 3 loại rừng; tiếp tục thực hiện các vấn đề để thực hiện dự án cao tốc; quan tâm công tác cải cách hành chính, bảo đảm các chương trình an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Mạnh Thành