(Lamdongtv.vn) - TP Bảo Lộc tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực trà, tơ lụa trên địa bàn..Hiện nay, các doanh nghiệp ngành trà- tơ lụa trên địa bàn đang gặp khó khăn, vướng mắc về việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật.
Thành phố Bảo Lộc hiện có khoảng 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh trà; trong đó, có 70 doanh nghiệp và khoảng 90 cơ sở sản xuất. Sản lượng sản xuất các loại trà hàng năm đạt khoảng 23.000 tấn. Bảo Lộc có khoảng trên 750 ha cây dâu, 29 doanh nghiệp ươm tơ dệt lụa với năng lực sản xuất khoảng 1.050 tấn tơ/năm; khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại . Để đáp ứng sự phát triển của ngành dâu tằm tơ và trà, thời gian qua, TP Bảo Lộc đã tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành trà, tơ lụa như: Khuyến nông, khuyến công, phát triển thương hiệu, xây dựng quy trình quản lý chất lượng, phát triển thị trường…
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành trà- tơ lụa trên địa bàn đang gặp khó khăn, vướng mắc về việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào việc sản xuất trà; Diện tích trồng trà trên địa bàn thành phố hiện nay đang có xu hướng giảm, lao động sản xuất trà chuyển sang làm việc các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Việc tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở, nhà máy, các hình thức sản xuất tự phát, nhỏ lẻ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến và sự ổn định để phát triển của ngành trà địa phương. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lụa tơ tằm, việc tổ chức cung ứng trứng giống tằm cho sản xuất hiện nay là tự phát, được nhập từ nước ngoài về theo con đường tiểu ngạch, việc tiếp cận, nhập khẩu nguồn giống tằm đầu dòng hoặc giống tằm cấp một để phục vụ nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm thương phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo được chất lượng trứng giống tằm nên bị ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, phát triển ngành dâu tằm tơ trên địa bàn. Ngành trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa thiếu công nhân lao động.Tổ chức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm. Việc xúc tiến thương mại cũng như đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm trong nước cũng như trên thế giới còn hạn chế, phụ thuộc.
Ghi nhận các kiến nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Tôn Thiện Đồng đã có những chỉ đạo cụ thể dành cho ngành trà về giải pháp phát triển vùng nguyên liệu; đổi mới công nghệ, quy trình chế biến; quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm; quản lý phát triển thương hiệu, thị trường… Đối với ngành trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa cần thực hiện các giải pháp về nguồn giống; tổ chức, tiêu thụ sản phẩm; cơ chế, chính sách…nhằm ổn định sản xuất và phát triển ngành nghề truyền thống bền vững.
CTV: Bích hồng - Phạm Cường