(Lamdongtv.vn) - Tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội nghị, về phía TW có Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, đại diện các Bộ, ban ngành TW và các thành viên trong hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Về phía tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Đức Quận - UVTW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh đã tham dự.
Trình bày dự thảo Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết: Quy hoạch tỉnh nhằm đề xuất các phương án phát triển để Lâm Đồng khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển. Phấn đấu đạt mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị là “đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước. Đồng thời phát huy các giá trị cốt lõi, tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế làm động lực, tăng trưởng; trở thành khu vực kinh tế động lực của Nam Tây Nguyên” và mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là phấn đấu đến năm 2045 tỉnh Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ một số nội dung quan trọng trong công tác quy hoạch tỉnh như: vị thế, vai trò của tỉnh Lâm Đồng đối với vùng và quốc gia, các phương án phát triển tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức và phát triển không gian lãnh thổ, quy hoạch tỉnh cũng đã xác định được 5 khâu đột phá để Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững đó là: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh lớn; tổ chức sắp xếp lại hợp lý không gian kinh tế xã hội; phân vùng chức năng; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử - văn hóa, thiên nhiên; bảo vệ môi trường; bảo vệ các quỹ đất rừng và nguồn nước, đặc biệt là các khu vực đầu nguồn của lưu vực sông; chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế đô thị... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững trong cuộc cách mạng 4.0; Về không gian phát triển, Lâm Đồng sẽ tổ chức mô hình gồm 3 tiểu vùng kinh tế liên huyện, 5 hành lang kinh tế và 2 cực tăng trưởng với 02 vùng động lực chính là Thành phố Đà Lạt và cùng phụ cận, Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận. Song song với đó, Lâm Đồng sẽ quy hoạch và xây dựng các hành lang kinh tế kết nối các vùng động lực, đặc biệt là hành lang Đông - Tây dọc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Đà Lạt, Nha Trang gắn với Quốc lộ 20, mở rộng Quốc lộ 20…
Phát biểu tại Hội Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng - Trần Đức Quận nhấn mạnh: tỉnh Lâm Đồng nhận thức rất sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác quy hoạch đối với sự phát triển của Tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đặt nhiệm vụ lập Quy hoạch Tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng; xem Quy hoạch là kim chỉ nam cho việc hoạch định các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng: "Một đồ án quy hoạch tốt sẽ giúp Tỉnh khơi thông các điểm nghẽn, phát triển tương xứng tiềm năng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đã đề ra".
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đánh giá: công tác quy hoạch là nhiệm vụ khó, phức tạp, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, việc lập quy hoạch phải làm sao khai thác, đánh giá được hết các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của mình, nhận định rõ các điểm nghẽn từ đó, đưa ra tầm nhìn, phân bổ các nguồn lực, sắp xếp không gian, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trong báo cáo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng cần bám sát Nghị quyết số 23 ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rà soát nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất theo Quyết định số 326 của Thủ tướng Chính phủ và bảo đảm phương án phát triển 3 loại rừng tại địa phương.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cần xác định các ngành ưu tiên phát triển, không phát triển ồ ạt công nghiệp mà phải chọn lọc các dự án sao cho sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đất đai, Quy hoạch Tỉnh cần định hướng phát triển nông nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa, hợp lý với việc phát triển hạ tầng và bố trí dân cư, hạn chế phát triển nhà kính, nhà lưới, đảm bảo các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho môi trường, xây dựng thêm các sản phẩm đặc thù, riêng có của Đà Lạt… để từ đó xây dựng tỉnh Lâm Đồng theo định hướng trở thành cực tăng trưởng của vùng với việc xác định vai trò vị thế mới, tạo dựng cơ hội mới theo hướng “kiến tạo để phát triển”.
Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng và Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng với 29/29 phiếu đồng ý, đây là cơ sở để tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch theo Nghị định số 37/2019 của Chính Phủ.
Thành Nam