Tin tức

Năng lực sản xuất nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt tăng lên 70 tấn/tuần

Thứ bảy, 27/05/2023 - 08:25

(Lamdongtv.vn) - Tại xã Trạm Hành, Tp Đà Lạt, Tập đoàn Südwolle đã tổ chức lễ khai trương Nhà máy Kéo sợi Len lông cừu. Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt có thể sản xuất sợi nhuộm và sợi tự nhiên chải kỹ từ 100% len Merino và hỗn hợp len, được sử dụng nhiều trong các sản phẩm dệt

Ông K’Mák - UVBTV - Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Ông Đặng Trí Dũng - UVBTV - Bí thư Thành ủy Đà Lạt, cùng đại diện lãnh đạo một số Sở ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự. 
 

 
Tập đoàn Südwolle bắt đầu sản xuất sợi len lông cừu tại Đà Lạt, Lâm Đồng vào năm 2019. Hiện nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt có gần 300 người; công suất thiết kế 3.000 tấn sợi/năm; năng lực sản xuất hiện tại của nhà máy  là 45 tấn/tuần với 14.400 cọc sợi. Dự kiến trong thời gian tới, công suất này sẽ  tăng lên 70 tấn/tuần với việc lắp đặt thêm 7.200 cọc sợi. Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt có thể sản xuất sợi nhuộm và sợi tự nhiên chải kỹ từ 100% len Merino và hỗn hợp len, được sử dụng nhiều trong các sản phẩm dệt thoi, dệt kim tròn, dệt kim phẳng, vớ và sợi kỹ thuật. Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Südwolle và Tập đoàn Dệt may Liên Phương và là một trong những nhà máy kéo sợi len chải kỹ bền vững và hiện đại nhất trên thế giới. Được biết, Tập đoàn Südwolle, một doanh nghiệp gia đình được thành lập vào năm 1966, có các cơ sở sản xuất và kho hàng tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổng công suất của tập đoàn là 26.050 tấn/năm đối với kéo sợi dài và 6.000 tấn/năm đối với sợi khí nén. Ngoài ra, tập đoàn có hai nhà máy nhuộm tại Trung Quốc và Đức với tổng công suất nhuộm là 11.000 tấn/năm và công suất xử lý len là 6.900 tấn/năm.  

 
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND đã ghi nhận sự nỗ lực của các cấp,  các ngành đã tạo điều kiện để nhà máy kéo sợi len lông cừu  xây dựng hoàn thành các hạng mục, đồng thời đánh giá cao những đóng góp tích cực của doanh nghiệp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà; giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận và đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để tăng năng suất đáp ứng và phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước - góp phần tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng./.

 
Minh Hiên

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa