(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tại tổ đại biểu số 7, Đoàn ĐBQH các tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đóng góp ý kiến vào Luật này
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng, chính sách tài chính về tài nguyên nước là một trong 04 chính sách quan trọng trong sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thuế, phí về tài nguyên nước, góp phần phản ánh đúng giá trị của tài nguyên nước; nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội; bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy. Ngoài việc giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế, giá thì việc định thuế, giá còn phải căn cứ vào các yếu tố là mục đích sử dụng, mức độ khan hiếm, mức độ căng thẳng của tài nguyên nước, điều kiện khai thác và đặc điểm kinh tế - xã hội trong khu vực
Về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, qua thảo luận, đa số các đại biểu cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Việc sửa đổi luật này sẽ bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD); tạo cơ chế xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các TCTD.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đại biểu Nguyễn Tạo, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng phân tích: Dự thảo Luật luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung, cụ thể: Quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với việc bổ sung quy định giải thích nội hàm khái niệm thu giữ, bổ sung điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm chỉ khi biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; sửa đổi, bổ sung quy định về thông báo việc thu giữ, trong đó làm rõ việc thông báo trong trường hợp tài sản thu giữ được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Quy định về thu giữ tài sản bảo đảm tại dự thảo Luật xác định rõ phạm vi, giới hạn cũng như quy định rõ nghĩa vụ của TCTD khi áp dụng thu giữ như: điều kiện tiên quyết là tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; trách nhiệm của TCTD trong việc thông báo công khai về việc thu giữ tài sản bảo đảm; Quy định thứ tự ưu tiên thanh toán trên cơ sở kế thừa quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội, đồng thời trên cơ sở quá trình thực thi và tổng kết Nghị quyết 42, dự thảo Luật có điều chỉnh để đảm bảo hài hòa trong việc thực hiện, áp dụng đồng thời cũng tạo động lực để các TCTD cho vay, cung ứng vốn cho nền kinh tế
Hữu Phúc