(Lamdongtv.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, chiều 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây là một trong số 9 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5
Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đóng góp vào dự án luật này.
Tại phiên thảo luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng phát sinh một số vấn đề mới chưa được pháp luật quy định như trong tờ trình, BC thẩm tra và các ĐBQH đã nêu, đó là: Hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng phát sinh trong thời gian gần đây... Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023 có thể ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nếu không có một văn bản thay thế kịp thời. Dự thảo Luật lần này bày tỏ sự tán thành cao, sau khi nghiên cứu, góp ý như sau:
Đại biểu Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: " Thứ nhất, Về lãi suất, lãi suất chậm trả tại khoản 2 Điều 91 bảo đảm tính khả thi…
Thứ hai, Về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 93) Đặc điểm các khoản cho vay tiêu dùng là các khoản vay nhỏ và quy trình vay nhanh gọn nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách trong cuộc sống của khách hàng. Các đối tượng khách hàng là sinh viên, người lao động tự do khó có khả năng chứng minh tài chính nên việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu và dữ liệu chứng minh khả năng tài chính sẽ kéo dài thời gian tiếp cận vốn của khách hàng, dẫn đến khả năng phải tìm tới nguồn vay từ các kênh không chính thống, dễ phát sinh “tín dụng đen”,
Thứ ba, Về kinh doanh bất động sản (Điều 131): đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định nắm giữ bất động sản là việc tổ chức tín dụng nhận tài sản là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng tại tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn chuẩn xác trình tự, thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng đối với bất động sản khi tổ chức tín dụng nhận tài sản là bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng trên nguyên tắc nhanh, gọn, công khai
Thứ tư, Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (Chương XI từ Điều 181 đến Điều 189): Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 187 dự thảo Luật) nếu coi bản chất việc trả nợ của doanh nghiệp từ nguồn tiền thanh lý tài sản đảm bảo tương tự như việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp giải thể, phá sản theo Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014, hay Luật Phá sản thì trình tự thanh toán ưu tiên đối với nghĩa vụ với Nhà nước cao hơn so với các chủ nợ khác (trong đó có tổ chức tín dụng). Do vậy, tôi đề nghị trong dự thảo Luật cần rà soát thứ tự thanh toán nhằm bảo đảm tính thống nhất với các văn bản luật liên quan, đồng thời cân đối lợi ích, chi phí và thỏa thuận của các bên có liên quan trong việc xử lý tài sản bảo đảm."
Hữu Phúc