(Lamdongtv.vn) - Chiều ngày 17-7, Đoàn công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng do ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đồng Nai để về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cùng đại diện các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 67km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, điểm cuối tại km 216, giao với đường Nguyễn Văn Cừ (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án (giai đoạn phân kỳ) là 17.200 tỉ đồng gồm phần vốn nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỉ đồng còn lại là vốn huy động từ các nguồn khakhác là 9.095 tỉ đồng từ các nguồn khác. Theo tờ trình UBND tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng Chính phủ, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc do nhà đầu tư đề xuất dự án là liên danh đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung, trong đó Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đại diện liên danh nhà đầu tư. Để triển khai dự án dự kiến khoảng 455ha đất phải thu hồi, trong đó tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha, tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha. Phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 22m. Có hơn 186 ha rừng phải chuyển đổi mục đích, trong rừng tự nhiên 126,37ha, rừng trồng 59,85ha. Đất rừng thuộc tỉnh Lâm Đồng là 144,78ha (rừng tự nhiên 123,29ha, rừng trồng 21,49ha), tỉnh Đồng Nai là 41,47ha (rừng tự nhiên 3,08ha, rừng trồng 38,36ha).
Tại buổi làm việc hôm nay, 2 bên đã thảo luận để thống nhất những nội dung liên quan đến khung giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc chuyển đổi diện tích rừng, đất lúa cũng như xác định vị trí quy mô hệ thống đường gom, hầm chui, các mỏ vật liệu, bãi đổ thải để phục vụ thăm dò, cấp phép khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án. Theo kế hoạch, dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc sẽ được khởi công vào tháng 9-2023. Cùng với các tuyến Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương, đây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối sân bay Long Thành với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, tạo không gian gian, hành lang phát triển kinh tế xã hội cho không chỉ Đồng Nai – Lâm Đồng mà cả khu vực phía Nam./.
CTV: Minh Thanh – Nhất Phương