(Lamdongtv.vn) - Chiều ngày 20/7, tại đầu cầu tỉnh Bình Định, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Duyên Hải miền Trung và Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có sự tham dự của Ông Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng , đại diện lãnh đạo các sở , ngành liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia trong tỉnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Duyên Hải miền Trung và Tây Nguyên và nghe lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường báo cáo về các nội dung bổ sung vào dự thảo luật đất đai liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng báo dân tộc thiểu số. Theo đó, Trung ương giao tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025 đến các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Duyên Hải miền Trung và Tây Nguyên là trên 39 ngàn tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Riêng năm 2023, ngân sách TW hỗ trợ trên 17 ngàn tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh đã hoàn thành việc phân bổ trên cơ sở bám sát các quy định của Trung ương. 17 /19 địa phương trong vùng đã thực hiện việc giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình MTQG. Từ việc triển khai kịp thời các nguồn vốn để thực hiện 3 chương trình có hiệu quả bằng những việc làm hay, mô hình hiệu quả , sáng kiến thiết thực nên tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS vùng Bắc Trung bộ, Duyên Hải miền Trung và Tây Nguyên đạt 3,81%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Bắc Trung bộ, Duyên Hải miền Trung giảm còn 10, 04% và vùng Tây Nguyên giảm còn 15,39%. Toàn vùng có gần 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng: Tổng vốn kế hoạch bố trí năm 2023 trên 965 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 263 tỷ đồng đạt 27% trong đó vốn đầu tư phân bổ là 446 tỷ đồng đã giải ngân được gần 250 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp phân bổ trên 419 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 14 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp cho rằng hiện tại nhiều địa phương vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Vướng mắc trong quản lý, tổ chức thực hiện; một số nội dung hỗ trợ còn thấp khó áp dụng trong điều kiện địa bàn vùng dân tộc miền núi; nguồn vốn sự nghiệp ngân sách TW năm 2022 thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững chưa bố trí thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở và cải thiện dinh dương cho người nghèo; việc cân đối nguồn lực bố trí vốn đối ứng đối với chương trình đầu tư hỗ trợ mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn…
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu các địa phương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu trong thời gian tới cần tập trung giải quyết một số nội dung trọng tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng các giải pháp bám sát tình hình thực tế của địa phương và tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt thực tế, đẩy nhanh tiến độ thjực hiện các chương trình, rà soát danh mục dự án thuộc các chương trình MTQG tránh đầu tư dàn trải, lãng phí vốn ngân sách nhà nước; gắn việc cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số với những quy định ràng buộc và có phương án tối ưu về các văn bản, thủ tục. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt rà soát danh mục các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để điều chỉnh, quyết định kịp thời; chú ý phân cấp quản lý đầu tư nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún; đẩy mạnh công tác phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố có kết quả triển khai thực hiện tốt để có cơ chế, giải pháp điều hành phù hợp tình hình thực tiễn và đặc thù của địa phương ./.
Bích Thảo