(Lamdongtv.vn) - Thời gian qua công tác giám định tư pháp đã hỗ trợ rất lớn cho công tác điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự cũng như hành chính, dân sự. Tuy nhiên thực tế vẫn còn những tồn tại khó khăn vướng mắc tạo điểm nghẽn làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án
Ban nội chính Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo khoa học về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hội nghị do ông Nguyễn Văn Yên, Ủy viên ban thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì. Ông Võ Ngọc Hiệp UVBTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng các chuyên gia thuộc các bộ Y Tế, Công an, Tư pháp và lãnh đạo các sở, ngành tham dự.
Thông tin với các đại biểu tham dự hội thảo, ông Nguyễn Văn Yên, Ủy viên ban thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết thời gian qua công tác giám định tư pháp đã hỗ trợ rất lớn cho công tác điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự cũng như hành chính, dân sự. Tuy nhiên thực tế vẫn còn những tồn tại khó khăn vướng mắc tạo điểm nghẽn làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, nhất là các vụ việc liên quan đến kinh tế, tham nhũng. Việc Ban Nội chính cùng các Sở, ngành liên quan được giao nhiệm vụ xây dựng đề tài khoa học về giám định tư pháp là nhằm để đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp tháo gỡ tồn tại bất cập, nâng cao hơn nữa nhiệm vụ giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trên tinh thần khách quan, khoa học và thực tế, các đại biểu là đại diện các sở, ngành đã phân tích, nêu bật một số khó khăn vướng mắc đang gặp phải trong công tác giám định. Cần xem xét bổ sung đội ngũ giám định viên đối với các cơ quan, đơn vị. Hiện đội ngũ giám định viên vẫn đang ít nhiều có tâm lý e ngại, chưa nhiệt tình tham gia vì nhiệm vụ giám định trách nhiệm và áp lực công việc thì cao, trong khi chế độ đãi ngộ còn thấp.
Đối với vấn đề này ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, cùng với vấn đề đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên thì việc giải đề xuất chế độ đãi ngộ bồi dưỡng hợp lý cho giám định viên cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Một số ý kiến khác đề nghị cần có cơ chế thu hút các tổ chức tham gia vào lĩnh vực giám định tư pháp. Cần nghiên cứu thành lập hội đồng giám định tư pháp ở cấp huyện. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở, trang thiết bị chuyên sâu phục vụ công tác giám định. Cần có quy định đảm bảo tính khách quan trong quá trình giám định tư pháp. Khi giao nhiệm vụ cho giám định viên cần xem đó là nhiệm vụ của cơ quan đơn vị. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu điều chỉnh thời gian giám định đối với những vụ việc có tính chất phức tạp. Một số vụ việc cần tiến hành giám định theo hình thức tổ chuyên gia hoặc hội đồng giám định để đảm bảo tính chính xác cũng như tiến độ thực hiện. Về trưng cầu giám định pháp y cũng cần được xem xét điều chỉnh phù hợp với thực tế. Ông nguyễn văn yên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia đã thẳng thắn trao đổi, đề xuất nhiều nội dung quan trọng, thiết thực, qua đó giúp ban Chủ nhiệm thực hiện đề tài bổ sung, hoàn thiện từ công tác nghiên cứu, xây dựng tới áp dụng thực tiễn, qua đó góp phần giải quyết những tồn tại bất cập, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng./.
Văn Thế