Tin tức

Lạc Dương: Gìn giữ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc

Thứ tư, 09/08/2023 - 08:33

(Lamdongtv.vn) - Từ lâu đời, người K’Ho sớm biết tự dệt vải tự sáng tạo nên trang phục của dân tộc mình. Nghệ nhân K’ Suy ở thôn B Nơ B - huyện Lạc Dương phụ nữ K’Ho từ nhỏ đã được mẹ, được bà dạy cho cách trồng bông, xe sợi, nhuộm, dệt thổ cẩm, lớn lên thường tự tay làm được trang phục cho cả gia đình

 Ngoài di sản văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các tỉnh Tây Nguyên đang hướng việc bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng bằng nhiều cách thức khác nhau thì trang phục truyền thống cũng là một trong những di sản văn hóa độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng đang được đồng bào dân tộc thiểu số tích cực bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc Văn hóa nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. 
 

 
Từ lâu đời, người K’Ho sớm biết tự dệt vải tự sáng tạo nên trang phục của dân tộc mình. Nghệ nhân K’ Suy ở thôn B Nơ B - huyện Lạc Dương phụ nữ K’Ho từ nhỏ đã được mẹ, được bà dạy cho cách trồng bông, xe sợi, nhuộm, dệt thổ cẩm, lớn lên thường tự tay làm được trang phục cho cả gia đình. Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống K’Ho đẹp đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo với nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, công phu. Người phụ nữ có khi phải mất cả tháng trời ngồi bên khung dệt, vừa canh chỉ, tạo hình, sáng tạo nên những họa tiết, hoa văn cách điệu, mô phỏng thế giới nhân sinh sống động. Để tạo hoa văn độc đáo, người dệt đã gửi gắm cả tâm huyết, thể hiện khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng, hình ảnh họa tiết như được vẽ sẵn trong đầu, đều đặn phô diễn trên tấm dệt.  

Màu chủ đạo của trang phục K’Ho là màu sẫm, xanh đen tượng trưng cho màu của núi rừng, xen lẫn ít màu vàng, đỏ, trắng làm họa tiết. Đàn ông K’Ho mặc áo chui đầu, đóng khố; riêng phụ nữ, bên cạnh áo và váy quấn quanh thân dưới thì trang phục quan trọng là tấm ùi bởi tính đa năng của nó và phù hợp với phong tục tập quán: có thể che nắng khi đi nương rẫy, làm khăn choàng khi tắm suối, làm chăn đắp khi trời lạnh, dùng để địu con khi làm mẹ... Để có những hoa văn, họa tiết, kiểu dáng của các loại trang phục váy áo thổ cẩm, đồng bào K’Ho đã mất hàng ngàn năm, trải qua bao nhiêu thế hệ tích lũy, chọn lọc, tích tụ kinh nghiệm, sáng tạo. Việc bảo tồn trang phục dân tộc đi đôi với bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, bảo tồn từ cách thức dệt đến cả chất liệu, màu sắc, kiểu dáng, hoa văn.
Trước nguy cơ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một, những năm qua, ngành Văn hóa tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực đưa trang phục truyền thống trở nên phổ biến trong cuộc sống của đồng bào, trong đó có trang phục của người K’Ho. Ngành đã chủ động tạo môi trường, điều kiện để vẻ đẹp trang phục truyền thống của người K’Ho được phô diễn tại các ngày hội văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, liên hoan bảo tồn di sản văn hóa …. Lâm Đồng hiện có 3 làng nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống là làng nghề B’Nớ C – huyện Lạc Dương, làng nghề K’Long ở xã Hiệp An - Đức Trọng và làng nghề Đam Pao ở xã Đạ Đờn - Lâm Hà. Các làng nghề này được khôi phục đã truyền dạy cho thế hệ con cháu từ đó giúp đồng bào K’Ho ngày càng ý thức hơn về giá trị văn hóa, tự hào về vẻ đẹp độc đáo, thêm yêu quý, trân trọng, gìn giữ trang phục của dân tộc mình. 

Trong thời kỳ hội nhập, phát triển kinh tế – xã hội như hiện nay thì trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho cũng bắt nhịp theo xu hướng hiện đại có cách tân thế nhưng trong đó vẫn giữ nét riêng của đồng bào dân tộc mình qua từng đường nét của tấm thổ cẩm và màu sắc. Chính từ việc lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể  ngoài cồng chiêng, khôi phục các làng nghề truyền thống thì trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số cũng nằm trong chiến lược phát triển các chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” mà ngành văn hóa thể thao – du lịch tỉnh đang triển khai thực hiện cho những năm tiếp theo ./.
 

 
Bích Thảo

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Thắp sáng hoa sen trên hồ Xuân Hương Đà Lạt

Lamdongtv.vn - Ban trị sự giáo hội phật giáo thành phố Đà Lạt đã tổ chức chương trình thắp sáng 7 đóa hoa sen trên Hồ Xuân Hương, mở đầu cho tuần lễ phật đản, phật lịch năm 2024. Tại buổi lễ, Ban tổ chức lễ phật đản, phật lịch 2568 thành phố Đà Lạt đã lần lượt thắp sáng 7 đóa hoa sen trên hồ xuân hương, 7 đóa hoa sen là biểu tượng cho 7 bước đi của đức phật lúc đản sinh.

OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa