(Lamdongtv.vn) - Tại Hội nghị đánh giá kinh tế - xã hội 7 tháng vừa qua, Chủ tịch UBDN tỉnh Trần Văn Hiệp, khẳng định công tác quản lý bảo vệ rừng gần đây có sự chuyển biến rất tích cực, đây là điều đáng mừng
Nhiều địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ này gồm, huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Tp Đà Lạt. Nhiều vụ việc phức tạp được xử lý nghiêm, nhiều điểm nóng được ngăn chặn. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục các giải pháp đồng bộ để giữ rừng. Bởi gần đây, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ phá rừng nổi cộm; hành vi xâm hại rừng tinh vi, mục đích của các đối tượng hủy hoại rừng để chiếm đất sản xuất, gây thiệt hại rất lớn đến tài nguyên rừng.
8 tháng đầu năm, Lâm Đồng giảm hơn 14% số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp so với cùng kỳ. 136 vụ việc có hơn 80% số vụ được cơ quan chức năng xử lý. Đây là tín hiệu khả quan của công tác nay. Tuy nhiên, 17 vụ có tính chất phức tạp. Phá rừng, hủy hoại rừng tinh vi. Ngành lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện, xử lý. Hầu hết các vụ phá rừng khi phát hiện thì rừng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Những vụ việc nổi cộm trong tháng 7, tại địa bàn xã Lộc Phú, Lộc Ngãi, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri huyện Bảo Lâm và Công ty Hà Phong quản lý có hơn 250 cây thông tự nhiên trên tổng diện tích khoảng 10 nghìn mét vuông đất rừng bị tác động bởi hành vi khoan lỗ, đổ hóa chất để làm thông chết. Tương tự, với thủ đoạn cưa hạ thông trái phép nhằm chiếm đất sản xuất, tại địa phận thôn 9, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hồ Lâm Hà quản lý có 143 cây thông gần 30 năm tuổi bị cưa hạ. Các vụ việc sau khi phát hiện được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và bắt được thủ phạm. Tuy nhiên, hành vi phá rừng đã gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng của Nhà nước.
Không riêng Bảo Lâm, Lâm Hà, tại địa bàn các xã vùng Loan của huyện Đức Trọng việc phá rừng lấy gỗ cũng diễn ra phức tạp. Cụ thể, tại thôn Chơ Ré, xã Đạ Quyn, trong tháng 7, Công an huyện Đức Trọng đã phát hiện 4 đối tượng cất giữ trái phép trong nhà hơn 19m3 khối gỗ. Qua xác minh, số lâm sản này khai thác trái phép, hiện vụ việc được khởi tố để điều tra làm rõ. Phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất đang tiềm ẩn khá phức tạp. Nhất là địa bàn rừng nằm liền kề khu sản xuất của người dân. Các chủ rừng của nhà nước lý giải, diện tích rừng rộng, con người ít, lâm tặc hoạt động tinh vi… Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc phá rừng được phát hiện chủ yếu ở vị trí không xa dân cư. Có những địa bàn việc phá rừng trở thành tiền lệ, liên tiếp diễn ra trong nhiều năm liền, nhưng địa phương chưa có giải pháp ngăn chặn.
Theo Ngành Kiểm lâm, phá rừng mục đích là lấy đất sản xuất. Đối tượng phá rừng dùng thủ đoạn tinh vi như, cưa máy âm thanh nhỏ, đục lỗ ở gốc cây rồi lấp đất lại… Nên việc phát hiện rất khó khăn. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10, UBND tỉnh cũng có nhiều văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt về công tác, điều tra và kỷ luật nghiêm cán bộ, nhân viên quản lý để xảy ra mất rừng… Do đó, công giữ rừng cần được các cấp, ngành quan tâm thực hiện.
Việc xảy ra các vụ phá rừng trái phép, gây thiệt hại về lâm sản và diện tích rừng cho thấy tiềm ẩn nhiều phức tạp. Tuy nhiên, ngoài những chưa tìm ra thủ phạm, thì số vụ xác định được đối tượng vi phạm nhưng chưa có hình phạt thích đáng mang tính răn đe để ngăn chặn hành vi tương tự có thể xảy ra. Điều này cần có chế tài mạnh hơn nữa để công tác giữ rừng được bình yên.
Mạnh Thành