(Lamdongtv.vn) - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với gần 600 báo cáo viên các huyện, thành phố. Bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã được thông tin về chuyên đề “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Lâm Đồng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đến nay”; chuyên đề “Kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho người dân tham gia bảo vệ rừng”; chuyên đề “Xây dựng Quân đội Tinh - Gọn - Mạnh, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới”v.v… Cụ thể, đối với chuyên đề “Công tác phòng, chống tham nhũng”: thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã ban hành 6 thông báo kết luận chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, thực hiện 3 cuộc kiểm tra đối với Ban Thường vụ của 3 huyện và 1 cuộc giám sát đối với 1 cơ quan chuyên môn.
Kết quả chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa 10 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý và thường xuyên theo dõi chặt chẽ tiến độ giải quyết của các cơ quan chuyên môn đang thụ lý để đôn đốc nhằm sớm giải quyết, không để kéo dài. Đến nay, 4 vụ án, vụ việc đã được giải quyết xong; 6 vụ án, vụ việc còn lại đang giải quyết…
Với chuyên đề, hiệu quả việc thực hiện chi trả năm 2022 và thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, về kinh tế: Nguồn thu từ DVMTR năm 2022 cao và tăng so với 2021; hỗ trợ đáng kể nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng; mang tính ổn định và bền vững; về xã hội: Hoạt động khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR năm 2022 của các chủ rừng nhà nước tiếp tục góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân tham gia bảo vệ rừng nhất là hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, hộ sống gần rừng, số hộ nhận khoán 15.000 hộ/năm thu nhập 17-22 triệu đồng; về hỗ trợ chủ rừng: Nguồn thu từ DVMTR (10% đối với diện tích giao khoán và 100% đối với diện tích tự quản lý) và lực lượng hộ nhận khoán đã hỗ trợ chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng…
Về chuyên đề “Xây dựng Quân đội Tinh - Gọn - Mạnh, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới”, Trung tá Phạm Thành Công – Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Học viện Lục quân thông tin: Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương này sẽ bảo đảm cho Quân đội ta có đủ sức mạnh, hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trách nhiệm đó là của toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết và chủ yếu là của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân...
Kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Mỵ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở nắm vững những chuyên đề được truyền tải tại hội nghị để tập trung tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác quản lý bảo vệ rừng; chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Thùy Dương