Tin tức

Hội thảo kinh nghiệm Quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai

Thứ sáu, 22/09/2023 - 12:36

​Lamdongtv.vn - Tại Tp. Đà Lạt, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt và Quỹ Rosa Luxemburg- Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kinh nghiệm Quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai”.


Chủ trì hội thảo có Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng tham dự có Lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH một số tỉnh thành và các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về phía tỉnh Lâm Đồng có Ông K’Mák, Ủy viên BTV tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện các Sở, Ban, Ngành của tỉnh và chính quyền các địa phương.
 
 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Dự án Luật đất đai (sửa đổi) là dự án Luật khó, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ; việc sửa đổi Luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân; quy định của Luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và quyền, lợi ích của người dân.
 

Dự án Luật đã được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhiều lần đầu tại kỳ họp Quốc hội khoá XV và nếu bảo đảm chất lượng, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào tháng 10/2023. Trên cơ sở tổng hợp kết quả lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân và hai lần Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực, trách nhiệm hoàn thiện dự án Luật, cơ bản thể chế hóa được các định hướng lớn trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời xử lý nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đây là dự án luật khó, phức tạp, tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống KT-XH.

Quá trình thảo luận và hoàn thiện, dự thảo Luật vẫn còn những nội dung có ý kiến khác nhau của các ĐBQH và người dân. Trong đó, có vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tài chính đất đai, định giá đất,.. Để giải quyết các vấn đề này một cách thấu đáo, cần tiếp tục có cách tiếp cận khoa học, khách quan, toàn diện, cầu thị, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng đã nêu tại Nghị quyết số 18 nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan, quản lý, khai thác và sử dụng đất hiệu quả, phục vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai”, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày một số tham luận liên quan đến bối cảnh quốc tế và tầm nhìn của Việt Nam cần hướng đến về hệ thống thông tin đất đai Quốc gia và hiện đại hóa định giá đất, một số khuyến nghị đối với Luật đất đai sửa đổi, nhất là vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, vấn đề thu hồi đất..phương pháp định giá đất, kinh nghiệm quốc tế, kiến nghị đối với Việt Nam.


Đặc biệt một số tham luận còn phân tích, làm rõ, đồng thời cung cấp kinh nghiệm của một số nước trên thế giới xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến tài chính đất đai, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cung cấp thêm quan điểm, góc nhìn đa chiều về các vấn đề này từ các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật đất đai.

 
Ngoài ra, một số tham luận tập trung vào các định hướng chính sách về ưu tiên, bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất nông, lâm trường, đất quốc phòng -an ninh khu vực Tây Nguyên nhằm “giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế..; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số”; “Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền. Có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất” – như các Nghị quyết 18 của Trung ương đã đề ra. Chiều nay, Hội thảo tiếp tục nghe các phần trình bày về kinh nghiệm một số Quốc gia và Quốc tế về xác định giá đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, định giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất ở một số quốc gia Châu Âu và Châu Á. Cùng với đó, nghe kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch đất đai, thời gian sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, bảo đảm công bằng trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ kinh nghiệm của các nước, kinh nghiệm thực tiễn về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại tỉnh Lâm Đồng./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa