Tin tức

Xóa "kiểm tra miệng", tạo hứng thú học tập cho học sinh

Thứ tư, 27/09/2023 - 08:06

TPHCM - Mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu "kêu bất chợt, hỏi bất chợt" vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực. Đề nghị này nhận được ý kiến đồng tình của cả giáo viên và học sinh.


Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những ý kiến trái chiều về hình thức này, lo ngại về hiệu quả học tập của học sinh khi bỏ "kiểm tra miệng" đầu giờ.

 

Thay thì kiểm tra miệng đầu giờ thì tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), các giáo viên tổ chức khởi động đầu giờ với các hoạt động sôi nổi để bắt đầu tiết học. Cách làm này theo giáo viên là vừa để giúp ôn lại kiến thức cũ cho học sinh vừa tạo không khí thoải mái, tránh tạo áp lực cho các em.
 

 
Không ít học sinh gọi "kiểm tra miệng" là nỗi ám ảnh, tạo áp lực lớn mỗi khi bước vào tiết học. Nhiều giáo viên cho rằng cách kiểm tra này hiệu quả không cao vì nhiều học sinh không học bài cũ do nghĩ có thể không đến lượt mình, một số lại học đối phó bằng cách học bài cũ một hôm để xung phong lên bảng lấy điểm cao sau đó có thể không cần học bài cũ nữa…
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên giữ hình thức “kiểm tra miệng” truyền thống để tạo thói quen trong việc ôn lại bài cũ cho học sinh.

Theo tinh thần của chương trình GDPT mới (2018), giáo viên hoàn toàn có thể đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua sản phẩm học tập như nhật ký đọc sách, sản phẩm của một dự án khoa học, bài thuyết trình. Theo các chuyên gia, việc áp lực, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến tư duy của học sinh, chính vì vậy việc ôn lại bài cũ với các hoạt động thú vị sẽ giúp các em hào hứng và tư duy tốt hơn.
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã chỉ đạo các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá học sinh với thời gian, hình thức, nội dung cụ thể. Trong đó, khuyến khích nhà trường đa dạng hóa các hình thức kiểm tra - đánh giá, đồng thời phổ biến kế hoạch trên đến tất cả học sinh.
Phòng Thời sự

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa