Tin tức

Kết nối giao thương ngành chè Quảng Châu - Lâm Đồng

Thứ năm, 28/09/2023 - 07:04

Lamdongtv.vn - Tại TP Bảo Lộc UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Tp Quảng Châu - tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc tổ chức chương trình kết nối giao thương ngành chè Quảng Châu - Lâm Đồng. Tham dự có Ông Phạm S - PCT UBND tỉnh Lâm Đồng – PCT Hội khoa học Công nghệ chè Việt Nam,


Bà Đoàn Vệ Hồng-Trưởng ban giám sát Hội xúc tiến Văn hóa trà Quảng Đông, đại diện các sở ngành của tỉnh Lâm Đồng, Hiệp Hội chè và doanhnghiệp 2 địa phương.

 
Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 11 ngàn ha chè, năng suất đạt gần 149 tạ/ha, sản lượng hơn 164 ngàn tấn; Tập trung chủ yếu tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc. Việc chuyển đổi giống chè tại Lâm Đồng luôn được quan tâm; 100% diện tích chè chuyển đổi được trồng giống mới. Cơ cấu giống chè đa dạng, trong đó chè cành cao sản TB14, LĐ 97 chiếm 60%; chè chất lượng cao Kim Tuyên, Tứ Quý, Oolong, Ngọc Thuý hơn 12 %; còn lại là chè hạt hơn 27%. 90% sản lượng chè được chế biến chủ yếu là các giống chè cao sản và chè chất lượng cao. Tổng diện tích chè sản xuất theo hướng công nghệ cao đạt gần 3.560 ha, chiếm gần 32% tổng diện tích chè của tỉnh. Lâm Đồng đã công nhận 1 vùng chè sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 376 ha tại huyện Bảo Lâm và đang triển khai thực hiện để công nhận thêm 1 vùng khác với diện tích 600 ha tại TP Bảo Lộc. Công ty CP chè Long Đỉnh được Bộ Nông nghiệp cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Ngoài ra, Lâm Đồng có hơn 315 ha chè được VietGAP. Toàn tỉnh hiện có gần 220 đơn vị doanh nghiệp chế biến chè với công suất hơn 34 ngàn tấn/năm, 10 doanh nghiệp đã được chứng nhận HACCP, ISO; 08 doanh nghiệp được chứng nhận Halal. Nằm ở độ cao 800-1.000m so với mực nước biển, được thiên nhiên ưu đãi, vì thế chè Lâm Đồng đạt chất lượng với hương vị thơm ngon đặc trưng nổi bật. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chè Lâm Đồng chủ yếu vẫn là thị trường nội địa chiếm 74,4%, xuất khẩu chỉ chiếm tỷ lệ 25,6%, với 15 ngàn tấn xuất khẩu hàng năm, thu về 34,5 triệu USD. Để mở rộng thị trường tiêu thụ cho ngành chè địa phương, Lâm Đồng chú trọng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại.
 

 
Chương trình xúc tiến, hợp tác sẽ mở ra nhiều cơ hội mới hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường chè Lâm Đồng.  Ban tổ chức Hội chợ triển lãm chè quốc tế và Hiệp hội ngành chè tỉnh Lâm Đồng đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác chiến lược, theo đó, hai bên hợp tác và trao đổi toàn diện về văn hóa chè, ngành chè, công nghệ chè, chia sẽ và trao đổi văn hóa chè; sử dụng các nguồn lực để thúc đẩy trao đổi và phổ biến thông tin về ngành chè; hàng năm TP Quảng Châu sẽ tiến hành mời tỉnh Lâm Đồng tham gia Hội chợ triển lãm chè và ưu đãi về giá cho các gian hàng của tỉnh tham dự.
 
 
Tham quan Trước đó, đoàn công tác Quảng Châu – Trung Quốc đã có buổi tham quan vùng nguyên liệu chè tại tại Công ty TNHH Tam Dương, xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm). Công ty có vùng nguyên liệu chè hơn 150 ha; có 2 nhà máy sản xuất, chế biến chè được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, chế biến trên 700 tấn trà khô thành phẩm. Hiện Công ty đang tạo việc làm cho hơn 400 công nhân. Đoàn cũng đã đến thăm showroom trưng bày các loại trà của công ty Trà Rồng Vàng với thương hiệu Đôi Dép tại Phường 2- TP Bảo Lộc. Tại đây trưng bày hơn 10 sản phẩm chè với những hương vị khác nhau. Hiện công ty Trà Rồng Vàng đang sản xuất 725 ha chè tại Lâm Đồng, đạt sản lượng 6 ngàn triệu tấn mỗi năm trong đó xuất khẩu 1.500 tấn. Thông qua hoạt động tham quan, doanh nghiệp 2 bên mong muốn có sự kết nối nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
 
 
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục rà soát Quy hoạch lại diện tích chè của tỉnh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là những sản phẩm chè xuất khẩu ổn định.Tăng cường quản lý kỹ thuật, thực hiện các khảo nghiệm xác định các loại thuốc thế hệ mới, thuốc sinh học có khả năng phòng trừ các loại sâu bệnh hại chè nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu tại các vùng trồng chè. Tăng cường khuyến cáo kỹ thuật thu hái chè đúng phẩm cấp, đúng quy trình kỹ thuật; Đầu tư lựa chọn các giống chè năng suất cao, chất lượng tốt; Tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động phát triển thương hiệu chè B’Lao Lâm Đồng và thu hút các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở chế biến, đóng gói, đóng hộp,… /.
 

 
 












Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK