Sáng ra đồng, tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến lớp học. Đó là câu chuyện của những người phụ nữ ở bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Lớp học đặc biệt với người trẻ nhất cũng đã gần 40, người già cũng gần 60 tuổi. Thế nhưng, họ cùng chung một mong muốn, đó là được biết chữ.
Sau thời gian làm việc đồng áng, đến 11 giờ 30p, chị em phụ nữ Huổi Chan 1, xã Mường Pồn lại tập trung về điểm trường của bản để cùng nhau tham gia lớp học đặc biệt, lớp xóa mù chữ. Năm nay dù đã gần 60 tuổi nhưng bà Lò Thị Thơm vẫn rất hăng hái tham gia lớp học. Lần đầu tiên trong đời được cầm bút, viết được cái tên của mình lên giấy, mong ước tưởng chừng nhỏ nhoi ấy nhưng gần 6 thập kỷ trôi qua, bây giờ bà mới thực hiện được.
Biết cầm bút, biết viết tên mình và những thành viên trong gia đình, đó cũng là động lực đầu tiên của hầu hết những thành viên trong lớp học xóa mù chữ khi đến đây. Thế nhưng, sau thời gian tham gia lớp học, họ càng hăng say hơn với những bài văn, bài thơ. Với những đôi bàn tay đã chai sạn chỉ quen với cầm cuốc, từ những nét chữ đầu tiên còn vụng về, giờ đây họ đã có thể ghi chép những câu văn, bài thơ, biết làm những phép tính cơ bản.
Mường Pồn là xã biên giới vùng ngoài lòng chảo của huyện Điện Biên. Đời sống của người dân ở nhiều bản trên địa bàn xã còn rất khó khăn, bởi vậy nhiều người, trong đó chủ yếu là phụ nữ vẫn chưa có điều kiện đi học nên tình trạng mù chữ vẫn còn khá cao, ở độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi có 14% người dân chưa biết chữ.
Ngoài Mường Pồn, huyện Điện Biên đã mở các lớp xóa mù chữ tại xã Hua Thanh, xã Pa Thơm và xã Na Tông. Việc mở các lớp xóa mù chữ nhằm nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân các dân tộc ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; tăng tỷ lệ người biết chữ, giảm số người mù chữ, tái mù chữ trong cộng đồng, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn giai đoạn 2021-2025./.
Phòng thời sự