Lamdongtv.vn - Những năm gần đây, việc thay đổi cơ cấu sản ở khu vực vùng sâu vùng xa trên toàn tỉnh đang có những chuyển biến rất tích cực. Nhiều nông dân đã mạnh dạn thay đổi tư duy phát triển các mô hình sản xuất cây trồng vật nuôi mới .
Qua đó giúp làm giàu trên chính khu vườn của gia đình, đồng thời còn tạo niềm tin và cảm hứng cho nhiều nông dân khác tin tưởng mạnh dạn làm theo để cải thiện cuộc sống, thay đổi bộ mặt nông thôn ngày một khang trang.
Sau hàng chục năm sản xuất caphe, năm 2018 ông Nguyễn Văn Đóa ở xã Nam Hà huyện Lâm Hà quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm nhà kính để chuyển sang trồng cây măng tây. Đây là giống cây thực phẩm vốn hoàn toàn mới mẻ ở vùng đất này. Trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, từ năm 2022 trở lại đây, mô hình nông nghiệp mang tính tiên phong của ông Đóa lại tiếp tục được phục hồi và phát huy hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đã có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc nên năng suất và chất lượng cây măng tây luôn được đảm bảo.
Bên cạnh đó thị trường đầu ra cũng ổn định với mức giá bán giao động hơn 50 ngàn đồng/kg, 6 sào măng tây mang lại nguồn thu mỗi năm cho nông dân Nguyễn Văn Đóa. Cây măng này thì mỗi sào một ngày thu 400 ngàn đồng, mà mỗi năm thu hơn 240 ngày thì nngthu nhập nó cao hơn các loại cây trồng khác. Bà con mà mới trồng có thể trồng 1 sào, còn nếu liên kết với hợp tác xã thì yên tâm đầu ra.
.
Ở xã Đức Phổ huyện Cát Tiên, giờ đây nhắc tới nông dân Nguyễn Thành Xinh hầu như ai cũng biết. Không chỉ năng nổ làm ăn mà ông còn là người tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương. Trong khi nhiều người đang loay hay với câu hỏi làm gì để nâng cao hiệu quả sản xuất trên vùng đất chuyên trồng điều và lúa nước thì ông Nguyễn Thành Xinh đã liều mình thử nghiệm sản xuất các giống cây lấy hạt như: Ớt, khổ qua, bầu, bí, mướp.v.v.v....Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm cũng như chủ động trong khâu liên kết tìm kiếm kênh tiêu thụ sản phẩm đầu ra, mô hình cây lấy hạt đã thành công ngoài mong đợi. Chỉ cần 1 sào thì nguồn thu nhập đã tương đương với 1ha trồng lúa trước đây. Bên cạnh đó, hiện ông còn hỗ trợ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hàng chục nông hộ trồng cây lấy hạt khác ở địa phương.
Đối với huyện Đam Rông, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp luôn được đánh giá ở mức thấp nhất toàn tỉnh. Trước đây, nông dân địa phương hầu như chỉ quen với 2 cây trồng chủ lực là điều và caphe nên thu nhập thấp, đời sống thường thiếu thốn khó khăn. Tuy nhiên khoảng từ năm 2016 tới nay, bức tranh sản xuất ở vùng đất nghèo này cũng đang đổi thay nhanh chóng. Đã có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư tiền tỷ để trồng cây thực phẩm và cây ăn trái. Ông Nguyễn Chí Thanh ở xã Liêng She Ronh thuộc diện này. Trên khu vườn có diện tích 5 sào, ông đã thay thế toàn bộ caphe bằng các loại cây ăn trái như ổi, cam, mít, đặc biệt là chanh không hạt. Hướng đi này đã giúp ông Thanh có thu nhập hàng trăm triệu đồng lãi ròng mỗi năm. Câu chuyện khó khăn thiếu thốn không còn, người nông dân đã có thể yên tâm với thu nhập và cuộc sống của mình.
Không chỉ làm giàu cho bản thân mà chính những nông dân tiên phong triển khai thực hiện những mô hình sản xuất mới ở các khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh như vừa nêu còn tạo niềm tin, động lực cũng như mở ra những hướng đi mới để nhiều nông dân khác mạnh dạn làm theo, ra sức tìm kiếm những mô hình phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo nên bức tranh sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững và ổn định của tỉnh nhà./.
Văn Thế.