Lamdongtv.vn - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia thảo luận về nội dung này
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước. Ngoài ra, với việc mở rộng, tích hợpnhiều thông tin vào thẻ căn cước vừa nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nhà nước về căn cước toàn diện hơn, đầy đủ hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng thông tin cá nhân. Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân. Góp ý về quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tham gia tranh luận vấn đề quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, cần bổ sung điều 30 về cộng đồng người Mông chưa được cấp căn cước công dân để phục vụ quản lý xã hội đầy đủ, toàn diện
Qua thảo luận tại hội trường, nội dung này tiếp tục ghi nhận những ý kiến băn khoăn, yêu cầu ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉnh lý thêm. Về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, đánh giá kỹ về những thông tin được bổ sung quy định vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước bảo đảm tính bảo mật của thông tin. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để triển khai Đề án 06, thì việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước là rất cần thiết./.
Hữu Phúc