Trung Quốc là thị trường trọng điểm của trái cây Việt Nam. Để được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, các mặt hàng bắt buộc phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Thế nhưng thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã nhiều lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng của các đầu mối xuất khẩu Việt Nam..Không chỉ nhiều vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất bị thu hồi mã số vùng trồng, tạm ngừng xuất khẩu, mà hệ lụy kéo dài cả chuỗi liên kết, ảnh hưởng tới xuất khẩu trái cây Việt Nam nếu như không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Trảng Bom là vùng trồng chuối trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, với phần lớn sản lượng xuất khẩu đi Trung Quốc. Chuẩn bị đến kỳ thu hoạch cuối năm, người trồng chuối nơi đây như đang ngồi trên đống lửa khi nhận tin bị tạm ngừng xuất khẩu do vi phạm mã số vùng trồng. Hàng chục ngàn tấn chuối đứng trước nguy cơ đổ bỏ.
Từ đầu tháng 9/2023, nhiều mã vùng trồng chuối ở Đồng Nai bị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đình chỉ, thu hồi. Cả cơ sở đóng gói nông sản cũng trong diện bị tạm ngưng và thu hồi mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thiệt hại cho các cơ sở này lẫn các đối tác, thiệt hại cả về tài chính và chuỗi liên kết.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, sản lượng chuối trong vùng trồng bị thu hồi mã số chiếm 49% tổng sản lượng vùng trồng được cấp mã số và chiếm gần 22% trong sản lượng chuối dự kiến thu hoạch trên địa bàn tỉnh, ước khoảng 568.000 tấn.Các vùng trồng, cơ sở đóng gói bị đình chỉ mã số là do phía Trung Quốc phát hiện có sinh vật gây hại trên các lô hàng xuất khẩu. Theo đó, loài rệp sáp đang là loại sinh gây hại phổ biến trên cây trồng toàn tỉnh.
Thiệt đơn, thiệt kép, hệ lụy kéo dài cho người trồng, cơ sở thu mua, đóng gói, chế biến, tới các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu, vì vi phạm mã số vùng trồng. Vấn đề đang “nóng” với trái chuối cũng là lời cảnh báo cho các mặt hàng trái cây chủ lực khác của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
PHÒNG THỜI SỰ