Là một trong những khu vực có tỉ lệ thiếu việc, mất việc cao nhất trên cả nước do ảnh hưởng sau dịch nhưng tại Đồng bằng sông Cửu Long thì tỉ lệ lao động đi làm việc tại nước ngoài lại không cao. Thậm chí nhiều lao động không mấy mặn mà dù nhiều chương trình được Nhà nước hỗ trợ chi phí.
Trở về nước sau chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản, đến nay nhờ có số vốn tích lũy cùng kinh nghiệm học hỏi được, anh Toàn đã mạnh dạn mở gara rửa xe ô tô tại quê nhà. Có thể thấy, xuất khẩu lao động đã giúp thay đổi bộ mặt nông thôn của nhiều địa phương, cải thiện đời sống kinh tế của nhiều gia đình.
Tuy nhiên theo thống kê của nhiều tỉnh ĐBSCL, số lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài trong những năm qua rất hạn chế. Dù được tư vấn nhiệt tìn nhưng nhiều lao động vẫn có tâm lý ngại học ngoại ngữ, ngại xa nhà, phải trải qua kỳ thi và đợi chờ lâu.
Mặc dù nhiều chương trình hợp tác ngoài nước do Bộ LĐTB&XH tổ chức có thu nhập cao, chi phí tham gia thấp như chương trình EPS, IM Japan. Tuy nhiên nguời lao động phải ký quỹ với số tiền khá lớn là 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây cũng là điều kiện vượt khả năng của nhiều lao động.
Trước thực trạng này vừa qua, nhiều địa phương như tỉnh Đồng Tháp đã ban hành riêng một Chỉ thị về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vào Nghị quyết Đại hội Đảng và xác định đây là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh tăng cường rà soát, chọn lọc các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có uy tín, đủ điều kiện pháp lý, truyền thông để người dân lựa chọn tham gia.
Tuy nhiên về lâu dài nhiều ý kiến cho rằng Bộ LĐTB&XH cần tham mưu Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt Bộ cần xem xét mở và tổ chức cơ sở đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng tại các tỉnh thành khu vực ĐBSCL nhằm giảm bớt chi phí đi lại, ăn ở cho người lao động.
PHÒNG THỜI SỰ