Tin tức

Lâm Đồng phấn đấu năm 2025 có 15.000 doanh nghiệp hoạt động

Thứ sáu, 03/11/2023 - 04:26

Lamdongtv.vn - Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế là mục tiêu tỉnh Lâm Đồng đang tập trung triển khai.

 

Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15.000 doanh nghiệp, đến năm 2030 có trên 20.000 doanh nghiệp; trong đó, có trên 10% doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp phát triển mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách bảo đảm quyền cạnh tranh bình đẳng, nhất là bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực công. Đồng thời tạo lập môi trường thể chế, tăng cường vai trò hiệp hội ngành, nghề trong liên kết giữa các doanh nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu liên kết khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, địa phương còn tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp xử lý theo dõi, quản lý các thành phần kinh tế tư nhân, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để kinh tế tư nhân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, nâng cao năng lực hội nhập cạnh tranh kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 13.400 doanh nghiệp còn pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký gần 162.000 tỷ đồng; mỗi năm địa phương có trên 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nổ lực trong việc khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, nhất là triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp. Việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua đối thoại, đào tạo lao động, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng được địa phương thực hiện thường xuyên, được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ghi nhận, đánh giá cao./.
Hoàng Ái

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT