Lamdongtv.vn - Năm 1982 , Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ) đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là Ngày nhà giáo Việt Nam;. Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo VN 20/11, chúng ta cùng nhớ về chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã hết lòng quan tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục của đất nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và xây dựng nền giáo dục dân chủ mới. Sinh thời, Người đã từng nói: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành..
Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc : “Tuyên ngôn độc lập, Người đã chủ trì phiên họp của Chính phủ và đã nêu ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó có nhiệm vụ:. “Mở chiến dịch chống nạn mù chữ, chống giặc dốt”. Để phục vụ chiến dịch xóa nạn mù chữ, Nha bình dân học vụ được thành lập, người đi học được miễn phí, phong trào nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Đến cuối năm 1946, chỉ tính riêng Bắc và Bắc Trung bộ đã có hơn hai triệu người biết đọc, biết viết. Thắng lợi trên mặt trận chống “giặc dốt” này đã làm tiền đề cho những thành quả của nền giáo dục khoa học dân chủ của đất nước sau này. Đối với thầy cô giáo, Bác quan niệm: để học sinh có đủ đức, đủ tài thì trước tiên người dạy phải có đức, có tài, có tâm, có lòng yêu thương học sinh và yêu nghề nghiệp. Thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức mẫu mực cho học trò noi theo, đồng thời bản thân phải không ngừng tự học tập, rèn luyện hơn nữa. Bác chỉ rõ mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục chăm lo bồi dưỡng học sinh. Bởi sự nghiệp giáo dục là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp để “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” thắng lợi.
Ngày nay, sự nghiệp giáo dục luôn được Đảng và nhà nước ta coi là quốc sách hàng đầu. “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh..”, song hiền tài chỉ có được khi nền giáo dục phát triển cả qui mô và chất lượng, khi mà tất cả nguồn lực đầu tư cho giáo dục đều hướng đến mục đích: vì một dân tộc Việt Nam thông thái như tâm nguyện của Bác Hồ.
Hữu Phúc