Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146 đã nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng.
Theo đó, nghị định mới có những quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, nhằm tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT
Sinh sống tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, bà Nhính, người dân tộc Tày là hộ nông dân mới thoát nghèo theo nghị định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Không may mắc phải căn bệnh viêm đa khớp nặng và vừa phẫu thuật u đại tràng nên bà phải tốn nhiều chi phí cho việc khám chữa bệnh. Chính nhờ có tấm thẻ bảo hiểm y tế mà bà đã không mất tiền cho việc khám chữa bệnh hàng tháng.
Mắc bệnh tiểu đường, anh Phạm Văn Thủy cũng phải thường xuyên tới Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn để thăm khám. Nhờ có tấm thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh đã giảm đi nhiều và từ đó, tiếp thêm động lực để anh chiến đấu với bệnh tật.
Tại Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường từ khi tuổi trung niên cho tới khi 60 tuổi hết khoảng hơn 150 triệu đồng. Như vậy, với tấm thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ tiết kiệm một khoản tiền lớn trong việc khám chữa bệnh, thậm chí đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì hoàn toàn miễn phí.
Đến hết tháng 11 năm 2023, cả tỉnh Yên Bái đã có hơn 750 nghìn người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số. Trong những năm qua, chính sách BHYT luôn dành sự quan tâm đến người tham gia, thụ hưởng, BHYT đã góp phần quan trọng vào chính sách an sinh xã hội, trở thành chiếc 'phao cứu sinh' cho người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi phải đi khám chữa bệnh.