Tin tức

Thanh Hóa : Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông khó khăn

Thứ sáu, 01/12/2023 - 15:03

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 3.600 hộ đồng bào Mông, với trên 19.500 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã biên giới thuộc 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Xác định phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa có sự quan tâm đặc biệt tới đời sống người dân nơi đây.

 

Bản Suối Tôn, xã Phú Sơn là bản người Mông duy nhất của huyện Quan Hóa. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, sự chủ động vào cuộc của huyện và xã cùng tinh thần chủ động vươn lên, không chông chờ, ỷ lại của đồng bào, bản Suối Tôn đã sớm xoá được đói, giảm được nghèo. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư khang trang bằng ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa. Trước kia, người dân chỉ biết đi rừng làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ; tuy nhiên hiện nay thông qua các mô hình Dân vận khéo, đồng bào Mông ở Suối Tôn đã biết trồng lúa nước và đưa cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất như cây gai xanh với diện 5ha, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(Nội dung: Được sự quan tâm của nhà nước, bản Suối tôn chúng tôi được nhà nước làm đường xá đi lại, ổn định đời sống bà con, điện ổn định, công trình nước sạch, trường văn hóa nhà nước hỗ trợ, đầu tư cho con em mình. Đời sống rất tốt cho bản tôi)

Những hình ảnh này là đường lên bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện biên giới Quan Sơn. Bản có 65 hộ với 300 nhân khẩu đều là người Mông. Được Nhà nước đầu tư đường giao thông, điện thắp sáng, trường, trạm… Ché Lầu hôm nay đã đổi thay hoàn toàn. Người dân đã biết trồng lúa nước hai vụ/năm; đưa giống lúa Nhật J02 vào sản xuất với diện tích 4 ha. Năm 2021, huyện Quan Sơn thực hiện thí điểm Dự án trồng vầu tai bản Ché Lầu với diện tích 170 ha, hiện đã và đang cho tín hiệu tích cực. Năm 2022, xã tiếp tục đưa Dự án nuôi lợn nái sinh sản, hỗ trợ cho 40 hộ tham gia số tiền gần 200 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của nhân dân là 28 triệu/người/năm…
 

 
Bên cạnh đó, từ Chương trình 30a, năm 2020, UBND huyện Quan Sơn đầu tư làm đường giao thông từ bản Son đi Ché Lầu với chiều dài 5,1km. Năm 2022, huyện Quan Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm đường giao thông nội bản Ché Lầu và đường giao thông nội bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Hiện hai con đường giao thông nội bản này đều đã hoàn thành thông suốt từ bản lên tới trung tâm xã, qua đó, người dân đi lại thuận tiện.


Những năm qua tỉnh Thanh Hoá đã ban hành nhiều đề án, chính sách đặc thù dành cho đồng bào, trong đó ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào Mông Thực hiện “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”, tỉnh đã giao tổng vốn thực hiện năm 2022 đối với 3 huyện có đồng bào Mông hơn 116 tỷ đồng; triển khai cấp điện cho 14 thôn, bản của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.

Những thành quả hôm nay các bản Mông đạt được, ngoài nỗ lực của người dân nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ chương trình, dự án mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó, giúp nhiều gia đình ở bản Mông vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
PHÒNG THỜI SỰ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa