Tin tức

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng góp ý: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Thứ năm, 30/11/2023 - 07:01

Lamdongtv.vn - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng đã góp ý vào dự thảo Luật này.

 
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; chủ động tự lực, tự cường củng cố, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
 
 

 Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Tạo – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc xây dựng luật dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, do đó công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là vấn đề rất quan trọng, cần được hết sức quan tâm đặc thù và ưu tiên. Tuy nhiên Đại biểu vẫn còn băn khoăn về hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự đối với tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ.
 
Tại khoản 7 Điều 18 quy định: “Tổ chức cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan”. Theo Luật Khoa học và công nghệ thì hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh không có quy định miễn trách nhiệm dân sự; đối với thiệt hại xảy ra dù do nguyên nhân khách quan thì việc xem xét trách nhiệm dân sự cũng phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bởi lẽ, hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bao gồm rất nhiều hoạt động (sản xuất, sửa chữa, cải tiến…) để tạo ra sản phẩm công nghiệp quốc phòng, an ninh; Bộ luật Hình sự đã quy định cụ thể những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó có: “Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gâythiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Do đó, việc có được loại trừ trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, chứ không phải tất cả các trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan đều được loại trừ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu kỹ và thận trọng xem xét nội dung quy định tại khoản 7 Điều 18 nêu trên; tránh việc lạm dụng, lách luật và bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật Dân sự, pháp luật Hình sự.

Cũng tại phiên họp này, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
 Hữu Phúc

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT