Tin tức

Phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ Việt Nam

Chủ nhật, 03/12/2023 - 06:48

Lamdongtv.vn - Tại Tp Đà Lạt, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ (DTT) Việt Nam. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Ngọc Phúc – PCT UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện hiệp hội dâu tằm tơ và 9 tỉnh có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn trên toàn quốc đã tham dự hội nghị.









 
Hội nghị Hiện nay sản xuất DTT không ngừng tăng trưởng ở 32 tỉnh trong cả nước với diện tích khoảng 13,2 ngàn ha dâu, trong đó vùng Tây Nguyên chiếm 77 %, tiếp theo là vùng Miền núi và Trung du chiếm 11%, ít nhất là vùng ĐBSCL chỉ có 0,05 %. Có 3 loại giống dâu được sử dụng trong sản xuất: Giống dâu địa phương, giống mới chọn lọc của Việt Nam và giống nhập từ Trung Quốc. Sản lượng kén tằm năm 2022 đạt hơn 16 ngàn 800 tấn tăng 2,31% so với năm 2021. Hiện nay giá kén vàng khoảng 120 ngàn đồng/1kg; giá kén trắng khoảng 200 ngàn đồng/1kg.Sản lượng tơ thô trên 1 ngàn tấn 1 năm. Người trồng dâu nuôi tằm thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với các cây trồng khác.Nhu cầu trứng tằm dâu phục vụ sản xuất khoảng 500.000 hộp trứng/năm. Đối với trứng tằm lưỡng hệ kén trắng Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, 90% trứng tằm lưỡng hệ (kén trắng) đang nhập từ Trung Quốc.
 
 
 
Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích trồng dâu nuôi tằm với khoảng 9.800 ha dâu, sản lượng lá dâu đạt 247 ngàn tấn, sản lượng kén đạt khoảng 16.000 tấn, sản lượng sợi tơ các loại đạt trên 2.000 tấn; toàn tỉnh có khoảng 16.000 hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm; có 05 làng nghề trồng dâu nuôi tằm và 45 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã trồng dâu, nuôi tằm; có khoảng 32 cơ sở ươm tơ, công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa của Lâm Đồng đã được đầu tư cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại. Sản lượng tơ xuất khẩu Lâm Đồng năm 2022 đạt khoảng 1.800 tấn, kim ngạch xuất khẩu tơ, sợi dệt, vải các loại đạt khoảng 180 triệu USD. Thị trường xuất khẩu xơ sợi, tơ thô của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng chủ yếu sang thị trường các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bangladesh, Đài Loan.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan nhưng nghề DTT Việt Nam vẫn còn những khó khăn hạn chế như: chưa chủ động được nguồn giống tằm chất lượng mà còn phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch Trung Quốc; công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dâu tằm tơ chủ yếu là tự phát; Nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước cho ngành dâu tằm tơ còn hạn chế. Trong lúc đó, nghề DTT lại đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển như: Việt Nam có các giống dâu lai mới năng suất cao; công nghệ kỹ thuật cải tiến nuôi tằm con tập trung; Giá cả tơ lụa trên thị trường thế giới ổn định, nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội.

Vì vậy, hội thảo đã tập trung tìm các giải pháp để phát triển nghề DTT bền vững tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Việt Nam như: Cần có quy hoạch phát triển ngành trồng dâu nuôi tằm ở tầm vĩ mô với ba vùng chính: Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; Tập trung nghiên cứu để lai tạo các giống dâu, tằm cao sản thế hệ mới nhằm đáp ứng nguồn cung trong nước; Đầu tư nghiên cứu khoa học, cải tạo giống dâu, tằm hiện có; Khuyến khích kết hợp nghiên cứu sản xuất giống tằm trong nước với nhập khẩu chính thức giống tằm. Xây dựng lại hệ thống nhân giống tằm để phát triển cặp lai tằm lưỡng hệ tứ nguyên VH2020. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư nhân lực và cơ sở hạ tầng; xúc tiến thị trường tiêu thụ và đẩy nhanh tốc độ đàm phán để có thể nhập chính ngạch giống tằm lưỡng hệ kén trắng của Trung Quốc vào Việt Nam đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK