Lamdongtv.vn - Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường – Bộ Tài nguyên môi trường phối hợp với Sở tài nguyên môi trường Lâm Đồng tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn tại phường 2 – Tp Đà Lạt.
Dự án được thực hiện tại Phường 2, thành phố Đà Lạt với nội dung chính là tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện mô hình thí điểm về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ tháng 07 năm 2022 cho đến nay. Qua đó, đã tổ chức 18 lớp tập huấn về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn cho gần 4.579 hộ dân. Hỗ trợ và cấp phát gần 4 ngàn thùng đựng chất thải phân loại 3 ngăn; 1.700kg túi đựng chất thải phân loại; hơn 4.586 tờ rơi, 970 cuốn sổ tay hướng dẫn cho các hộ dân và cán bộ quản lý.
Triển khai thu gom thí điểm mô hình, chuẩn bị xe loa tuyên truyền, treo băng rôn áp phích cổ động; thành lập Tổ giám sát cộng đồng. Nhờ vậy, người dân đã phân loại được chất thải rắn sinh hoạt theo các loại cơ bản: Chất thải thực phẩm, chất thải có thể tái chế, tái sử dụng, chất thải khác, chất thải cồng kềnh, chất thải nguy hại.
Người dân đã bỏ chất thải đúng giờ, đúng quy định, vì vậy lượng chất thải sinh hoạt đem đi xử lý cũng giảm đáng kể. Công ty TNHH môi trường xanh đã được tập huấn và triển khai ủ chất thải thực phẩm, hữu cơ làm phân compost bước đầu đã có kết quả khả quan. Từ các kết quả trên UBND thành phố Đà Lạt đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn thành phố nhằm giảm thiểu lượng CTRSH phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu gom, từ đó thuận lợi cho công tác xử lý tại nhà máy xử lý chất thải của thành phố, nhằm từng bước giảm áp lực về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố, giảm chi phí đầu tư cho xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đồng thời hướng tới một thành phố Đà Lạt xanh- sạch- đẹp.
Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như: Đà Lạt cần tiếp tục nhân rộng mô hình thu gom phân loại CTRSH tại nguồn; Nghiên cứu đầu tư các điểm tập kết, phương tiện vận chuyển CTRSH sau khi phân loại. Mặt khác UBND thành phố Đà Lạt cần sớm nghiên cứu ban hành quy định bắt buộc đối với người dân phải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, từ đó thu gom, xử lý theo quy định. Phân loại được CTRSH tại nguồn triệt để có thể sử dụng chất thải thực phẩm để làm phân compost, giảm chi phí vận hành các bãi chôn lấp và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Mai An