Lamdongtv.vn - Dù có nhiều giải pháp quản lý, tuy nhiên trên địa bàn huyện Bảo Lâm thời gian qua vi phạm Luật lâm nghiệp vẫn diễn ra khá phức tạp, cần giải pháp đồng bộ để bảo vệ. Ngoài trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền, địa phương đã phát huy vai trò hộ nhận khoán, người dân sống gần rừng đoàn kết để giữ rừng, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Nhiều năm nay xã Lộc Ngãi là địa bàn xảy ra các vụ việc phức tạp phá rừng. Sau thời gian với sự vào cuộc của chủ rừng, chính quyền, rừng ở đây được bảo vệ khá tốt. Tuy nhiên, việc lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra, nhất là địa bàn rừng nằm liền kề khu vực sản xuất của người dân. Vì vậy, chủ rừng đã đề cao vai trò hộ nhận khoán, người dân sống gần rừng bảo vệ, không để rừng bị xâm hại.
Hiện Ban quản lý rừng Đạm B’ri huyện Bảo Lâm đang thực hiện giao khoán hơn 9.400 ha cho 418 hộ và 1 tập thể nhận khoán, quản lý bảo vệ rừng. Với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/hộ/năm từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tăng thu nhập và nâng cao trách nhiệm của hộ nhận khoán.
Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri, huyện Bảo Lâm quản lý hơn 13.200 ha rừng. Diện tích rừng nằm rải rác trên nhiều xã, thị trấn, giáp ranh với nhiều địa phương, dân cư sống đan xen trong rừng, gần rừng nên việc quản lý, kiểm tra, truy quét gặp nhiều khó khăn. Do đó, chủ rừng triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm. Trong năm 2023, trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí, nhưng các cấp, ngành Bảo Lâm không chủ quan, nhất là dịp cuối năm công tác giữ rừng cần được quan tâm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng có Văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung các giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô, thực hiện nghiêm các văn bản, hiện chính quyền, ngành lâm nghiệp Bảo Lâm tập trung các biện pháp, với quyết tâm cao giữ rừng được bình yên.
Mạnh Thành