Lamdongtv.vn - Dưới sự điều hành của Ông Trần Đức Quận - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng 2 PCT Hội đồng nhân dân tỉnh, kỳ họp thứ 12, kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 10, nhiệm kỳ 2021 -2026 đã được tổ chức
để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; xem xét các báo cáo theo luật định và quyết định các nội dung quan trọng khác.
Cùng dự có ông Trần Đình Văn, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, Ông Trần Văn Hiệp, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các ông bà trong Ban thường vụ Tỉnh ủy; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 10.
Phát biểu tại kỳ họp, Ông Trần Đức Quận - Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, từ đầu năm cho đến nay, với tinh thần trách nhiệm cao, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 03 kỳ họp, thông qua 63 nghị quyết theo quy định, tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đối với kỳ họp lần thứ 12 này, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh, các cấp, các ngành liên quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chất lượng các nội dung để trình kỳ họp. Trong 02 ngày làm việc, HĐND tỉnh xem xét quyết định các nội dung quan trọng của kỳ họp như xem xét, thảo luận, đánh giá các báo cáo của
Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; báo cáo giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, nghe MTTQ thông báo kết quả công tác tham gia xây dựng chính quyền và các báo cáo khác theo luật định. Đặc biệt xem xét báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ KTXH, thu chi ngân sách năm 2023 và kế hoạch năm 2024.
Bí thư tỉnh ủy còn cho biết năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ 11. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen không ít khó khăn, đó là những khó khăn, thách thức từ những yếu tố bất lợi bên ngoài do tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, dịch bệnh gây ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự quyết tâm, cố gắng, khát vọng vượt qua khó khăn, thách thức, kịp thời đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn và đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, biện pháp điều hành theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân duy trì và phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội trên địa bàn nên kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khá quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Lâm Đồng đã phấn đấu đạt và vượt 14 chỉ tiêu, trong đó có 08 chỉ tiêu vượt và 06 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch (có 04 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch).
Để chuẩn bị nội dung trình Kỳ họp hôm nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức nhiều phiên họp để thảo luận. Nội dung trình kỳ họp cũng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ các nội dung theo quy định pháp luật và các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức thẩm tra theo quy định.
Kỳ họp chỉ diễn ra 02 ngày, việc bố trí thông qua báo cáo trong một buổi, thời gian còn lại của kỳ họp các đại biểu thảo luận, thực hiện quyền chất vấn đối với một số thành viên của UBND tỉnh; nghe Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu về các vấn đềthuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Vì vậy, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ từng nội dung trình kỳ họp; phân tích đánh giá thật khách quan, toàn diện, thẳng thắn trao đổi, tranh luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân của những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm mà cử tri quan tâm; đề xuất các giải pháp nhất là những giải pháp đột phá để khơi thông các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội; quyết định, biểu quyết các vấn đề quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được HĐND tỉnh thông qua.
Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở ngành của tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, giải trình, làm rõ những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm trong thảo luận, chất vấn, góp phần để kỳ họp thực sự hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tại kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã nghe Ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên BTV tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Theo đó, kinh tế tăng khoảng 5,63%; GRDP bình quân đầu người đạt 85,2 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35% GRDP; năng suất lao động bình quân tăng 10,9% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 929 triệu USD, tăng 4,8%. Công tác thu ngân sách nhà nước đạt 13.213 tỷ đồng, bằng 104,7% dự toán TW; bằng 98,66% so cùng kỳ.
Các chỉ tiêu về xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công được chú trọng, triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp ngay từ đầu năm; tập trung giải quyết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; khởi công một số dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp cơ bản ổn định, kinh tế tập thể tiếp tục phát triển, số lượng hợp tác xã thành lập mới, thành viên hợp tác xã tiếp tục tăng. Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh: Tổng lượt khách du lịch đạt 8,65 triệu lượt khách, tăng 15,3% so cùng kỳ; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật với quy mô, chất lượng, đẳng cấp quốc tế.
Thành phố Đà Lạt trở thành thành viên chính thức Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục được quan tâm; đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn; Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, công tác giảm nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế,... Kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh; đảm bảo đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện tốt. Hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp Căn cước công dân; 100% việc đăng ký, kích hoạt định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện theo đề án 06 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo; trật tự xã hội cơ bản ổn định. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng thực hiện hiệu quả. Tuy vậy, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lâm Đồng đạt thấp hơn kế hoạch đề ra; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do áp lực lạm phát, chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Công tác thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, trong đó, một số khoản thu chưa đạt mục tiêu đề ra, như thu từ thuế, phí, lệ phí bằng 87,8% dự toán địa phương; thu từ nhà, đất bằng 85,8% dự toán địa phương. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm. Tiến độ triển khai các công trình trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra, gây thiệt hại tài nguyên rừng. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số PCI năm 2022 giảm 02 bậc so với năm 2021; chỉ số PAPI, SIPAS giảm điểm số và thứ hạng so với năm 2021…..
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với 35 báo cáo và 43 dự thảo Nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực, đồng thời, HĐND tỉnh sẽ tổ chức chất vấn và nghe trả lời chất vấn; thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền của HĐND tỉnh. Trong phiên làm việc buổi sáng, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã nghe các báo cáo về công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2023, nhiệm vụ công tác năm 2024 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương trình Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) của HĐND tỉnh.
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Báo cáo kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ công tác năm 2024 của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.
Cũng tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành các thủ tục giới thiệu để HĐND tỉnh bầu Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đối với ông Lê Thủy, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đơn vị thành phố Bảo Lộc và thủ tục bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Ngô Kiểm, Chánh Thanh tra tỉnh bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả, HĐND tỉnh khóa X thống nhất cao thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu bổ sung Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Thủy và Ủy viên UBND tỉnh khóa X đối với ông Ngô Kiểm, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng./.
Hoàng Phúc