Hiện nay, tại tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung đang bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê. Tuy nhiên, do giá đầu mùa cao, không ít bà con đã thu hái cà phê xanh để bán cho các thương lái.
Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng thương hiệu cà phê cho các vùng trồng tại Kon Tum. Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thu hái cà phê chín có tỉ lệ từ 90 – 95% trở lên. Qua đó, nâng cao giá trị và chất lượng cho hạt cà phê.
Đây là diện tích 2,5 ha cà phê Arabica của gia đình anh Lê Văn Thận, thôn Tu Ma, xã Măng Cành. Nếu như trước đây, anh Thận chỉ hái tỉ lệ quả chín khoảng 50 – 60%, thì nay anh đã hái tỉ lệ chín đạt từ 90% trở lên. Nhờ đó, năng suất cao hơn, giá bán cũng tốt hơn, từ 6.000 – 7.000 đồng/kg hái đại trà đã lên 15.200 đồng/kg khi hái tỉ lệ quả chín cao.
Hiện nay các vùng trồng cà phê chủ lực của tỉnh như Đăk Hà, Kon Plông đã yêu cầu người dân, doanh nghiệp hái cà phê chín từ 90 – 95% trở lên. Thu hái cà phê chín sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thương hiệu cà phê của các địa phương. Đặc biệt, khi xuất khẩu, cà phê hái chín sẽ có giá trị cao hơn, bởi với phương pháp chế biết ướt mà các doanh nghiệp ngoài nước thực hiện, yêu cầu quả chín ≥ 90%.
Niên vụ 2023, toàn tỉnh Kon Tum có gần 30.000 ha cà phê cho thu hoạch. Với việc khuyến cáo bà con nông dân thu hái với tỉ lệ chín cao, cùng với áp dụng các quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến cà phê theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, RSA... tỉnh Kon Tum đang hướng đến xây dựng các thương hiệu cà phê chất lượng cao gắn với vùng trồng.
Phòng Thời sự